|
|
Tiết mục Múa hát sắc bùa đến từ làng Phò Trạch (xã Phong Bình) trong lễ hội “Hương xưa làng cổ” 2022 |
Ngày hội gồm 3 phần chính là phần lễ, phần hội và tham quan du lịch, gồm lễ khai mạc và diễu hành, biểu diễn múa Thiên hạ thái bình, hát múa Sắc bùa, múa Cầu mùa bội thu, diễu hành Áo dài truyền thống, phiên chợ quê “Hương xưa làng cổ”, giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, gian hàng “Ẩm thực miền quê”, trại sáng tác vẽ tranh thiếu nhi, các hoạt động văn hóa, thể thao, Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh địa điểm miếu Linh Quang, chương trình tham quan du lịch,…
Phiên chợ quê “Hương xưa làng cổ” luôn là hoạt động nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách. Sau 3 lần diễn ra, phiên chợ đã thành công trong việc tái hiện một không gian chợ quê mộc mạc, bình dị của vùng nông thôn Trung Bộ.
Du khách được trải nghiệm sản phẩm từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm Phước Tích, mộc điêu khắc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch…Thưởng thức các món ăn dân dã, như xôi thập cẩm, bánh quai vạc, bánh ít đen, vả trộn bánh tráng tôm thịt; tham gia các trò chơi dân gian như bịt mắt đập om, bịt mắt bắt vịt…
Cùng với chợ quê “Hương xưa làng cổ”, chợ quê "Cầu ngói Thanh Toàn" tại xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy cũng là chương trình thu hút sự chú ý của người dân và khách du lịch với những hoạt động giải trí, trải nghiệm mang đậm tính địa phương.
Trong dịp lễ 30/4 và1/5, chợ đêm đón gần 300.000 lượt khách với doanh thu gần 9 tỷ đồng. Đến nay, chợ đêm Cầu ngói Thanh Toàn đã đi vào hoạt động được 5 tháng và duy trì được lượng khách ổn định, tạo thói quen đến vui chơi vào dịp cuối tuần cho bà con và du khách. Không gian chợ quê cũng được tái hiện một cách sinh động với chương trình “Chợ quê - Ký ức tuổi thơ” tại khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Chương trình “Chợ quê ngày Tết” tại thành phố Bạc Liêu, không gian văn hóa chợ quê tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang,…
Chợ quê là “di sản” văn hóa lâu đời của dân tộc và là sản phẩm du lịch được đông đảo du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Việc tổ chức những phiên chợ định kì giúp tôn vinh và giữ gìn những phong tục, nét đẹp văn hóa độc đáo của làng quê Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, niềm đam mê tìm hiểu lịch sử dân tộc của các bạn trẻ cũng như mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài, đưa sản vật địa phương vươn tầm quốc gia và quốc tế. Việc tổ chức các phiên chợ quê đang dần được chuyên nghiệp hóa và đi vào ổn định với sự đầu tư thích đáng của lãnh đạo tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của loại hình dịch vụdu lịch đầy hứa hẹn này.