|
Sắc màu văn hóa trong lễ hội đường phố của Festival Huế. Ảnh: Minh Tâm |
Hơn 20 năm trước, NSND. Đặng Nhật Minh viết 1 bài báo có nhan đề: “Tiếng Việt có thêm một từ: Festival (1)”. Sau khi điểm qua và nhận xét đầu tiên, năm 2000, ông đã viết: “Vậy là Huế đã có thể chính thức trở thành một thành phố Festival. Những thành phố như vậy trên thế giới có nhiều: Avignon ở Pháp, Barcelona ở Tây Ban Nha, Venise ở Ý... Nhưng không ở đâu có một dòng sông trong vắt và xanh biếc chảy giữa lòng thành phố như ở đây. Không ở đâu con người cảm thấy gần gũi với thiên nhiên như ở đây”.
Thương hiệu, đẳng cấp và phát triển
Từ những kết quả bước đầu của Liên hoan Gặp gỡ Huế 1992 giữa TP. Huế và tổ chức Codev Việt - Pháp, Thừa Thiên Huế đã sớm ấp ủ cho một sự kiện với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn, là nơi gặp gỡ đặc sắc của các chương trình nghệ thuật, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Năm 2000, Festival Huế được tổ chức, trở thành một sự kiện văn hóa điển hình tiêu biểu, thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, cơ hội để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam một cách sinh động, hấp dẫn nhất. Festival Huế tôn vinh các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam, khẳng định được uy tín và thế mạnh của một trung tâm văn hóa có di sản thế giới độc đáo, gắn với hội nhập và phát triển.
Festival đã góp phần đáng kể trong việc đem lại một cách nhìn mới về di sản Huế của chính người Huế, góp phần cho quyết tâm xây dựng Huế thành một thành phố Festival đầu tiên ở Việt Nam. Bởi Huế hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để xây dựng một thành phố festival mẫu mực. Xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam mang tầm quốc tế chính là phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử và vị trí đặc thù của Huế.
Festival Bốn mùa - một cách thể hiện mới
Từ năm 2022, Festival Huế được xây dựng theo định hướng bốn mùa, tổ chức chuỗi sự kiện, lễ hội diễn ra liên tục trong cả năm, khai thác tối đa những yếu tố văn hóa – địa lý – lịch sử đặc sắc: Từ lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo... Các chuỗi hoạt động hướng đến việc khai thác một cách toàn diện các tài nguyên văn hóa và cảnh quan, bảo tồn và phát huy giá trị riêng có của vùng đất di sản, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, từng bước xã hội hóa theo hướng mở ra nhiều cơ hội để người dân địa phương tham gia tích cực, chủ động với tư cách vừa là chủ thể đầu tư, thực hành và cũng là đối tượng thụ hưởng quan trọng. Đây có thể xem là một định hướng đúng và cấp thiết, phù hợp đặc trưng của một thành phố Festival.
Hai năm qua, Festival Huế đã vận hành theo cơ chế mới, đạt những hiệu ứng tốt, thu hút du khách cùng tham gia nhiều hơn, không còn tình trạng “bội thực” hội hè nữa. Bên cạnh tín hiệu vui này, những nhà quản lý và nhà tổ chức cũng cần phải cân nhắc để làm sao các sự kiện lễ hội ở 4 mùa cần được quan tâm đúng mức, đúng tầm hơn. Mặt khác, nên phân biệt để tránh nhầm lẫn về hai khái niệm: festival và lễ hội truyền thống, tránh những hệ lụy về mặt quản lý, hơn nữa, dễ dẫn đến những sai lầm trong khâu tổ chức.
Festival là một loại hình sự kiện được sản xuất ra cho một phân khúc thị trường riêng, với công nghệ tổ chức rất khác so với các lễ hội truyền thống. Festival quảng bá hình ảnh, đất nước, con người… của địa phương, đáp ứng yêu cầu của đời sống tinh thần, và còn mang lại lợi nhuận, nếu biết đầu tư như một sản phẩm có giá trị trên thị trường. Lễ hội truyền thống ra đời từ nhu cầu tinh thần của cộng đồng, xuất phát từ tính tự nguyện và các “luật lệ” cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần và (nếu được khai khác khéo léo) cũng được coi là một thương hiệu tạo nên bản sắc.
Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế là những sự kiện đã được khẳng định mục tiêu, nội dung, đối tượng, được quốc tế hóa, được xem là các sự kiện văn hóa tiêu biểu có giá trị, cần được giữ gìn, phát triển chất lượng. Vì vậy, Festival bốn mùa nhất thiết phải chú ý đến điểm nhấn cho các mùa một cách hợp lý, đồng thời cũng phải khẳng định Festival Huế, Festival Nghề truyền thống là hạt nhân, là hồn cốt cho cả Festival bốn mùa, chứ không phải là điểm nhấn của một mùa.
Sứ mệnh và tầm nhìn
Huế không chỉ là một đô thị kiến trúc di sản độc đáo, mà còn là cả kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ cả cung đình và dân gian… Trong tương lai gần, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một đô thị phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Huế phải phát triển bền vững, đây là yêu cầu chủ đạo và xuyên suốt. Nội hàm của phát triển bền vững chỉ rõ sự tiến triển về chất lượng của xã hội trên tất cả các bình diện, sự hài hòa giữa mức sống và chất lượng sống, của phẩm chất, giá trị con người, trong đó bao gồm cả việc tăng trưởng kinh tế, yêu cầu nâng cao mức sống của toàn dân, gắn với trình độ phát triển hài hòa, toàn diện của con người.
Văn hóa là một trong bốn trụ cột của sự phát triển bền vững. Phải gắn văn hóa với kinh tế, kinh tế trong văn hóa. Đó là chiến lược của sự phát triển bền vững. Đó cũng là thông điệp, là quyết sách xây dựng Huế. Trữ lượng và hàm lượng tinh túy trong di sản văn hóa Huế, trong nghệ thuật sống của người dân Huế là “mỏ vàng” vô tận, nhưng nếu không cẩn trọng, bản lĩnh và cả tâm huyết thì sẽ làm nó cạn kiệt.
Một trong những mục tiêu ngay khi khởi phát của Festival Huế là nhằm đẩy mạnh việc giới thiệu bản sắc, giá trị độc đáo của truyền thống văn hóa và phong cách sống Huế, đất nước và con người Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa, kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa trong xu thế hội nhập quốc tế. Festival Huế không chỉ là nơi diễn ra các chương trình nghệ thuật phong phú, hấp dẫn của nhiều nền văn hóa thế giới, mà còn góp công sức để các giá trị phi vật thể được tái hiện, tôn tạo và phát huy. Festival Huế đã thật sự trở thành một trong những nguồn lực nội sinh của sự phát triển bền vững Huế.
Trong giai đoạn mới, song song với chủ đề xuyên suốt “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, cần gắn kết nội dung “Huế, đô thị xanh, phát triển bền vững”, như định hướng phát triển nhanh và bền vững Thừa Thiên Huế. Từ chủ đề xuyên suốt của festival, xác định chủ điểm cho mỗi kỳ festival và xây dựng kịch bản, cấu trúc nội dung, các hoạt động chính liên quan. Từ đó, khẳng định vai trò và vị thế của Festival Huế qua quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.
(1) http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c101/n672/Tieng-Viet-co-them-mot-tu-Festival.html