ClockThứ Bảy, 29/04/2023 18:15

Chiêm ngưỡng đồ gốm của người Nhật

TTH.VN - Trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2023, triển lãm gốm Nhật “Yakishime – Dáng hình của đất” do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (từ ngày 27/4 đến 14/5) mang đến cho khách tham quan một góc nhìn độc đáo về nghề thủ công của xứ sở Phù Tang.

Thưởng lãm gốm Nhật qua triển lãm “Yakishime – Dáng hình của đất”

leftcenterrightdel
 Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng

Mộc mạc, tinh xảo

Với “Yakishime – Dáng hình của đất”, không ít người trầm trồ khi ngắm nhìn những sản phẩm tinh tế của gốm Nhật, từ những bộ đồ trà đến dụng cụ đồ ăn và cả những tác phẩm nghệ thuật đều đẹp, tinh xảo nhưng đơn giản và trang nhã. Chị Huyền, người dân TP. Huế tấm tắc: “Gốm Nhật vốn nổi tiếng trên khắp thế giới và khi nhìn trực tiếp, quả thật không có gì để chê. Không bóng loáng rực rỡ, gốm Nhật đẹp mộc mạc, tinh tế từ kiểu dáng đến màu sắc, hoạ tiết”. 

Không gian triển lãm giới thiệu hơn 80 tác phẩm gốm yakishime từ những hình mẫu sớm nhất cho đến các tác phẩm đương đại, gồm các trà cụ dùng trong trà đạo, các dụng cụ ăn uống và các tác phẩm nghệ thuật đa dạng được các nghệ sĩ gốm chế tác bằng phương pháp yakishime.

Trà cụ dùng trong trà đạo là nét văn hóa có ảnh hưởng quan trọng đến văn hóa truyền thống Nhật Bản. Vào thời Muromachi, với sự phát triển của trà đạo, các trà nhân tìm kiếm cảm giác tự nhiên đặc trưng của Nhật Bản, thể hiện qua các ý tưởng như chuẩn thẩm mỹ wabi và sabi, đã bị thu hút bởi những chiếc bình gốm yakishime từ các trung tâm làm gốm như Bizen và Shigaraki. Họ tái diễn giải đồ gốm hàng ngày như bình hoa, bình đựng nước ngọt và nâng tầm chúng lên thành trà cụ.

Trong không gian triển lãm, trà cụ, bao gồm cả các món đồ gốm yakishime được trưng bày trong một không gian mô phỏng theo phòng trà truyền thống. Người xem có thể cảm nhận văn hoá trà đạo của người Nhật qua các tác phẩm gốm yakishime hiện đã trở thành một thể loại trà cụ được công nhận từ thời Momoyama và dụng cụ pha trà của các nghệ sĩ đương đại.

leftcenterrightdel
 Đĩa đen hình chữ Nhật được làm bởi nghệ nhân, báu vật nhân văn sống Isezaki Jun

Các dụng cụ ăn uống cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày của người Nhật. Những chiếc bát, đĩa đủ kích cỡ, màu sắc bằng gốm yakishime mộc mạc mà sang trọng đã góp phần làm đẹp bữa ăn của người Nhật.

Được biết, tháng 12/2013, văn hoá ẩm thực Nhật Bản washoku đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Tuyên bố của UNESCO đánh giá về washoku có nói: Một đặc điểm khác của washoku là cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên và sự thay đổi của các mùa được thể hiện trên bàn ăn, qua việc sử dụng bát đĩa và dụng cụ ăn uống khác nhau phản ánh sự thay đổi của các mùa… Những đồ dùng đó bao gồm đồ gốm yakishime thường không được sử dụng để phục vụ đồ ăn phương Tây, qua đó có thể cảm nhận được sự tinh tế độc đáo của người Nhật trong văn hoá ẩm thực.

Ngày nay, trong khi tiếp tục phát triển thành đồ dùng trong cuộc sống hàng ngày và trà cụ, gốm yakishime đang chuyển sang một hướng mới là sản phẩm nghệ thuật. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đa dạng được các nghệ sĩ gốm chế tác bằng phương pháp yakishime. Các sản phẩm yakishime đã tách khỏi dạng bình, ống để phát triển theo nhiều phong cách khác nhau. Một số nghệ sĩ đang tạo ra đồ yakishime bằng đất sét sứ không tráng men, bên cạnh các tác phẩm truyền thống.

Nghề truyền thống lâu đời của người Nhật

Gốm yakishime có chiều dài lịch sử hơn 800 năm. Yakishime là một kỹ thuật làm gốm nung, đồ gốm không tráng men ở nhiệt độ cao. Tuy là một trong những phương pháp sản xuất gốm cơ bản nhất, yakishime đã phát triển theo những hướng đặc biệt ở Nhật Bản.

leftcenterrightdel
Những chiếc cốc nhỏ nhắn được làm rất tinh xảo 

Đồ gốm yakishime được biết đến từ thế kỷ thứ IV hoặc thứ V. Tuy nhiên, phải khoảng thế kỷ XII đến thế kỷ XVII, kỹ thuật này mới có chỗ đứng vững chắc và được sử dụng trong một công đoạn sản xuất quan trọng tại các trung tâm gốm lớn ở Nhật Bản, bao gồm Bizen, Shigaraki và Tokoname.

Theo giám tuyển Mieko Iwai, Bảo tàng Panasonic Shiodome - Nhật Bản, gốm sứ được sản xuất khắp mọi nơi trên thế giới, cho dù làm bằng gốm, sứ hay đất nung. Tuy nhiên, truyền thống sử dụng gốm yakishime không tráng men, nung ở nhiệt độ cao của Nhật Bản dùng phục vụ đồ ăn và thức uống có thể nói là độc đáo nhất.

Quy trình sản xuất yakishime là phương pháp sản xuất gốm cơ bản hoặc nguyên thủy nhất. Nhiều đồ gốm sứ được tráng men để trang trí và tạo ra một bề mặt trong suốt, không thấm nước. Thay vào đó, đồ gốm yakishime được nung ở nhiệt độ cao để đất sét liên kết chặt chẽ với nhau và thủy tinh hóa, không thấm nước. Truyền thống sản xuất những đồ gốm đó đã tiếp diễn không gián đoạn từ thời trung cổ Nhật Bản cho đến nay.

Quy trình sản xuất gốm yakishime bắt đầu vào cuối thế kỷ XII ở vùng Bizen, Tokoname, Shigaraki và các trung tâm đồ gốm khác có nguồn gốc làm gốm Sueki, một loại đồ đất nung. Vào thời Momoyama (1568 – 1615), yakishime đã trở thành dụng cụ pha trà quý giá. Sen Rikyu, người có ảnh hưởng nhất trong giới trà và Toyotomi Hideyoshi, người đã thống nhất Nhật Bản dưới thời ông cai trị đều ngưỡng mộ gốm yakishime vùng Bizen và Shigaraki. Dưới sự bảo trợ của họ, nhiều bình đựng nước ngọt, bát uống trà, khay đựng trà, bình hoa và các dụng cụ uống trà khác đã được tạo ra.

leftcenterrightdel
 Một cái bát đẹp từ chất liệu đến hoa văn khiến người xem trầm trồ thích thú

Cũng trong thời kỳ đó, bát, đĩa, bình sake và các vật dụng khác bằng gốm yakishime để phục vụ đồ ăn và thức uống đã được tạo ra cho các bữa ăn kaiseki đi kèm với nghi lễ trà đạo. Ngoài các sản phẩm gốm yakishime gắn liền với các hình thức bình ống, các nghệ sĩ đương đại cũng đã tạo ra các sản phẩm nghệ thuật bằng yakishime.

Đồ gốm yakishime đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của quá trình lịch sử lâu dài không ngừng kết hợp giữa truyền thống và sự đổi mới của người dân Nhật Bản. Ông Doi Katsuma, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng, thông qua việc trải nghiệm những sản phẩm gốm yakishime phong phú này, công chúng ở Huế sẽ nhận thức được chiều sâu và sự đa dạng, hiểu rõ hơn về sự sáng tạo của văn hóa Nhật Bản, cũng như cảm nhận nghề truyền thống tinh tế và thẩm mỹ độc đáo của người Nhật”.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cho rằng, triển lãm diễn ra trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế có ý nghĩa đặc biệt vì bản thân gốm cũng là nghề rất nổi tiếng. Cũng như người Nhật, với người Việt, gốm là vật rất thân thuộc với những vật dụng thiết yếu hàng ngày. Qua đó, có thể thấy nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc ứng xử với đất để tạo nên những sản phẩm đẹp.

Bài, ảnh: MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Lan tỏa Văn hóa Việt Nam qua Triển lãm 'Không gian Văn hóa Việt' tại Mỹ

Những vật phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam như mô hình trống đồng, Khuê văn các, trang phục áo dài trên chất liệu lụa truyền thống, gốm Chu đậu, đồ sơn mài, mây tre... đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ lựa chọn kỹ càng mang tới trưng bày tại triển lãm mang tên “Không gian Văn hoá Việt Nam”.

Lan tỏa Văn hóa Việt Nam qua Triển lãm Không gian Văn hóa Việt tại Mỹ
“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Return to top