Hội thảo có sự tham gia của các Bộ, ngành: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Thông tin Truyền thông; Tổng cục Du lịch, Tổng cục Hải quan; đại diện các tỉnh, thành miền Trung; các doanh nghiệp khai thác cảng biển của các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh; các đơn vị lữ hành của Việt Nam khai thác vận chuyển du lịch quốc tế đường biển.
Hiệp hội du thuyền châu Á (ACA) tham gia hội thảo với khoảng 12 hãng du thuyền thành viên, các tour lữ hành đường biển, các đơn vị vận hành cảng du thuyền và cảng vụ. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của Tổng cục du lịch Singapore, Tổng cục du lịch Hồng Kông...
Cảng Chân Mây là nơi có thế mạnh để phát triển công nghiệp du thuyền.
Tại hội thảo, ACA sẽ thông tin chung về hoạt động của hiệp hội, đề xuất ý tưởng về các cuộc hành trình du lịch biển đến cảng trung chuyển tại Việt Nam; những tác động về kinh tế và lợi ích khi các du thuyền đến Việt Nam; yêu cầu về cơ sở hạ tầng thiết yếu có thể đáp ứng được các chuyến du ngoạn của các du thuyền khi đến cảng trung chuyển ở Việt Nam. Các bộ, ngành sẽ thông tin về kế hoạch phát triển du lịch trong tương lai của Việt Nam.
Đây là cơ hội cho Thừa Thiên Huế giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh về du lịch du thuyền đến các hãng du thuyền lớn trên thế giới, tăng cường khả năng hợp tác trong công nghiệp du lịch du thuyền quốc tế, nhất là xác định cơ hội hợp tác giữa các cảng biển của Việt Nam, các hãng du thuyền quốc tế, các hãng du lịch và Thừa Thiên Huế; tạo điều kiện cho các hãng du lịch lữ hành trong tỉnh kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài các buổi hội thảo chính thức, Ban Tổ chức còn bố trí để đoàn đại biểu tham gia khảo sát thực tế các địa điểm được xem là tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên Huế trong phát triển công nghiệp du thuyền.