Người dân Huế đã có những ngày sống cùng lễ hội
O Hạnh, nhà ở gần cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh) tươi cười trò chuyện với chúng tôi trong đêm bế mạc: “Hết Festival rồi, cầu ngói yên ắng trở lại. Mấy ngày qua, nhờ festival mà những hộ gia đình giữ xe như nhà o có thu nhập từ 15 đến 17 triệu/hộ. Cũng buồn khi lễ hội kết thúc nhưng hy vọng sẽ có nhiều du khách về lại cầu ngói Thanh Toàn dù không có festival”.
Ngồi trên nền đất với hai đứa nhỏ xem chương trình biểu diễn nghệ thuật, chị Thanh Tâm quê ở xã Thủy Thanh cho chúng tôi biết đêm nào chị cũng cùng mấy đứa nhỏ ra xem biểu diễn nghệ thuật. “Lâu lâu cầu ngói Thanh Toàn mới đông vui như ri. Tui không bỏ chương trình mô hết. Hết lễ hội rồi cũng thấy nhớ. Lại chờ mùa Festival Huế sau”.
Tối 2/5 Festival Huế 2018 đã khép lại với đêm giã bạn, bịn rịn và lưu luyến. Sẽ có những ý kiến trái chiều về cách quảng bá, tổ chức, sắp xếp chương trình, lịch diễn… nhưng tựu chung lại, Festival Huế lần thứ 10 đã mang đến những kết quả đáng để lưu tâm từ góc độ người dân đến nhà quản lý.
Với người dân như o Hạnh, việc có Festival Huế đã giúp gia đình o tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Và chị Tâm, một người của làng quê nông thôn đã biết đến các giá trị văn hóa của đất nước Sri Lanka, Ba Lan… Nhìn rộng ra, những chương trình như lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm… đã mang đến những bữa tiệc văn hóa giúp cho người dân Huế và du khách có thêm sự lựa chọn trong các ngày nghỉ lễ. Và quan trọng hơn, những ngày Festival, người dân Huế đã thực sự ngủ muộn để vui cùng ngày vui của quê mẹ.
Pháo hoa trong đêm khai mạc
Ở góc độ nhà quản lý, Festival Huế là bước kiểm nghiệm “đúng cách” hướng làm văn hóa, khoa học đã đi đúng lộ trình hay chưa. Các hội thảo chuyên đề về “Nghiên cứu và đào tạo Y học”, “Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế”, “Hội thảo Đàng Trong thời chúa Nguyễn” hay “Hội thảo Ẩm thực Cung đình và Dân gian Huế ”… trong khuôn khổ Festival Huế 2018 phần nào chỉ ra được bức tranh và hướng đi sắp tới trong từng lĩnh vực.
Ngồi cùng một nhà báo “chạy suốt” trong kỳ Festival Huế 2018 anh thú thật rất mệt vì phải tham gia nhiều hoạt động để cập nhật thông tin gửi đến bạn đọc nhưng sẽ thấy “hơi hụt hẫng” sau festival bởi những ngày lễ hội đã tạo cho riêng anh và thành phố “nhịp sống” văn hóa thực sự.
Khoảng lặng sau mỗi hoạt động như Festival là điều cần thiết để những con người, doanh nghiệp và nhà quản lý nhìn lại cách làm đã qua. Nhưng điều quan trọng là không để khoảng lặng ấy kéo dài. Để tạo được nhịp sống văn hóa cho Huế như những ngày Festival là điều khó thực hiện, tuy nhiên để duy trì nó thì có thể làm được bởi Huế có sẵn các thiết chế văn hóa, không gian, con người… Và hãy tạo thói quen xem các kỳ Festival là những lần bấm nút khởi động một guồng quay, sau mỗi guồng quay khả năng hưởng thụ văn hóa của người dân được nâng lên, các không gian văn hóa của Huế ngày càng chỉnh chu, hoàn thiện.
10 kỳ Festival là một con số vừa đủ để Huế nhìn lại. Lễ hội đã thực sự tinh gọn và người dân đang dần cảm nhận được những giá trị mà nó mang lại. Sống vững vàng bằng các giá trị văn hóa là một quá trình không dễ dàng vì nhiều góc độ nhưng sự bền vững là điều chúng ta có thể cảm nhận được. “Phát triển kiểu Huế” dựa trên văn hóa sẽ chông gai nhưng sức sống của Festival Huế trong tổng hòa các hoạt động Festival trên bình diện cả nước là một ví dụ để Huế bước đi trên con đường mình đã chọn.
Bài: Thành Nhân; Ảnh: Đ. Tuyên