ClockThứ Năm, 09/11/2017 14:17

Âm nhạc học đường: Thỏa đam mê, nuôi dưỡng tài năng

TTH - Với vài tay đàn guitar, trống cajon, piano..., các nhóm nhạc ở trường trung học phổ thông (THPT) đang tạo một luồng gió mới, khuấy động phong trào văn nghệ trong học sinh.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên CLB Fly Club, Trường THPT Gia Hội

Bắt đầu từ đam mê

Cứ mỗi chiều thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, trên vai của nhiều bạn học sinh Trường THPT Chuyên Quốc Học không chỉ đeo ba lô mà còn vác thêm những cây đàn. Tại phòng văn nghệ được trường “đặc cách” trao cho Câu lạc bộ (CLB) Âm nhạc làm phòng sinh hoạt chung, tiếng đàn guitar, tiếng gõ trống cajon và tiếng hát hợp lại thành chuỗi âm thanh dài trong trẻo ngân vang. Những buổi sinh hoạt của CLB tập trung vào việc giao lưu, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau về âm nhạc.

Nguyễn Linh Chi, lớp 12 toán 2, thành viên của CLB, hào hứng: “Học sinh trường muốn học đàn, muốn luyện thanh chỉ cần đăng ký tham gia CLB sẽ được những người chơi đàn tốt nhất, hát hay nhất chỉ bảo, giúp đỡ. Chịu khó học hỏi sẽ tiến bộ rất nhanh”. Có bận, để thay đổi không khí, các bạn chơi những trò chơi đố vui âm nhạc, có những phần thưởng nho nhỏ để khích lệ người chiến thắng và hình phạt vui người thua buộc phải nhận. Âm thanh chủ đạo của các buổi sinh hoạt là tiếng đàn hát, xen vào đó là tiếng nói cười hồn nhiên của tuổi học trò.

Với 30 thành viên, CLB có các thành viên chơi nhạc cụ hiện đại (guitar, trống cajon, piano, violon, shaker) và nhạc cụ truyền thống (đàn bầu), được coi là “linh hồn” trong các phong trào văn nghệ của trường. Hồ Thanh Bảo, Chủ nhiệm CLB, cho hay: “Chúng em đến với nhau bằng niềm đam mê âm nhạc, cùng nhau đàn hát, cùng say sưa bàn luận về nhịp điệu, chất giọng”.

Các nhóm âm nhạc học đường ngày càng thu hút sự quan tâm của học sinh. Từ những hoạt động ý nghĩa này, nhiều “cây” văn nghệ “lộ diện”, tạo điều kiện cho các trường chọn lọc, bồi dưỡng. CLB Fly Club, Trường THPT Gia Hội là tập hợp của hơn 40 học sinh chuyên về đàn guitar, trống cajon và hát. Ngoài việc trao đổi với nhau về âm nhạc, các em còn dùng âm nhạc để sẻ chia bằng cách tổ chức các chương trình đầy tính nhân văn, như “Trung thu cho em”.

Thầy giáo Lê Thúc Đương, Bí thư Đoàn Trường THPT Chuyên Quốc Học, nhận xét: “Âm nhạc học đường là sân chơi lành mạnh cho học sinh, giúp phát hiện, trau dồi được năng khiếu, đam mê. Nó mang tính kế thừa, trải nghiệm của lứa học sinh đi trước có thể tạo nguồn cho các năm tiếp theo, phát huy mạnh mẽ phong trào văn nghệ của trường. Sinh hoạt văn nghệ rèn cho các em tính tự tin, mạnh dạn, hòa đồng, biết chia sẻ và làm việc tập thể”.

Những bất ngờ

Nguyễn Hoàng Phú Linh, Chủ nhiệm CLB Fly Club, Trường THPT Gia Hội, chia sẻ: “Không dừng lại ở việc giao lưu giữa các thành viên trong nhóm, chúng em còn thường xuyên giao lưu với các CLB trường khác hay các nhóm nhạc nghiệp dư trong tỉnh để có cơ hội học hỏi, trau dồi nhiều hơn”.

Nhiều nhóm bắt đầu vươn mình ra khỏi “ao làng”, hướng đến những sân chơi lớn, chuyên nghiệp dành cho tuổi học đường. Những hoạt động này giúp các em có dịp cọ xát, thử sức và thể hiện mình ở các sân khấu khác ngoài trường học. Qua các cuộc thi, ngày càng có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, có chiều sâu và sức truyền cảm mạnh mẽ.

Cuộc thi liên hoan các nhóm nhạc “Giai điệu xanh” do Ban Thường vụ Thành đoàn Huế tổ chức là một trong những cuộc thi âm nhạc lớn, có sức lan tỏa sâu rộng thu hút những học sinh có năng khiếu và đam mê âm nhạc trên địa bàn thành phố. Các em rất chịu khó học hỏi, mày mò để tạo cho nhóm nhạc của mình một phong cách riêng, đầu tư cả về chất lượng và số lượng người chơi nhạc.

Trong cuộc thi năm nay, CLB Âm nhạc Trường THPT chuyên Quốc Học với hai ban nhạc tham gia đã “ẵm” về giải nhất và giải ba cùng nhiều lời ngợi khen của ban giám khảo. Nhạc sĩ Trầm Tích nhận xét trong cuộc thi Liên hoan các nhóm nhạc “Giai điệu xanh” 2017: “Các em ngày càng thể hiện nhiều tài năng, đem lại nhiều bất ngờ. Những tiết mục âm nhạc của các em là những bông hoa đơm sắc, tràn đầy sức sống và cảm xúc”.

Bằng niềm đam mê, mong muốn được khẳng định bản thân, nhiều học sinh đã tỏa sáng trong lĩnh vực âm nhạc học đường. Đây cũng chính là “vườn ươm” nuôi dưỡng những tài năng trẻ.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Ngày Quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường (7/11):
Cần hành động nhiều hơn để chống bạo lực và bắt nạt học đường

Trong một báo cáo được công bố nhân Ngày Quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường, bao gồm cả bắt nạt trên mạng, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, cứ 3 học sinh thì có gần 1 học sinh trên toàn thế giới đã bị gây tổn hại về thể chất ít nhất 1 lần trong năm.

Cần hành động nhiều hơn để chống bạo lực và bắt nạt học đường
Phòng, chống bạo lực học đường: Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ

Bạo lực học đường thực sự luôn rình rập, hiện hữu ở bất cứ ngôi trường nào. Ngoài những học sinh cá biệt, có xu hướng bạo lực thì nhiều hành vi bạo lực xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của học sinh. Các con chỉ nghĩ đơn giản “dọa cho bạn sợ” chứ không lường được những hậu quả, tổn thương tâm lý mà mình gây ra cho bạn học...

Phòng, chống bạo lực học đường Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Cập nhật kqxsmb 30 ngày mở thưởng
Return to top