ClockThứ Năm, 04/04/2024 08:50

Ban hành Luật Nhà giáo để giúp giáo viên có cuộc sống tốt hơn, yêu nghề hơn

Đó là quan điểm được nhiều đại biểu đồng tình tại toạ đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQGHCM) tổ chức vào ngày 3/4.

Sớm cải thiện chính sách tiền lương cho nhà giáo

Tại buổi toạ đàm, TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế ĐHQGHCM cho biết, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước, là lực lượng có mối liên hệ mật thiết với khoảng 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu. Ảnh: ĐHQGHCM 

Tuy nhiên, hiện nay, không có một đạo luật điều chỉnh riêng mà chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức năm 2010 và rất nhiều văn bản liên quan. Các văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò và tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, xác định nhà giáo như tất cả các viên chức ở tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp khác.

“Thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng gặp một số bất cập, thậm chí mâu thuẫn nhau do có quá nhiều văn bản điều chỉnh nên thiếu sự đồng bộ và thống nhất”, TS Thái Thị Tuyết Dung chia sẻ.

Vì vậy, theo TS Thái Thị Tuyết Dung, để tiến tới xây dựng Luật Nhà giáo, cần thiết phải có luận cứ khoa học đầy đủ về chế định nhà giáo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng để điều chỉnh hoặc có chính sách pháp luật điều chỉnh về nhà giáo phát triển nhằm xây dựng một đạo luật nhà giáo điều chỉnh tổng thể các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo cũng như quá trình áp dụng các chính sách liên quan đến nhà giáo của một số nước.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Cố vấn cao cấp của Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQGHCM, Luật Nhà giáo của Việt Nam cần lưu ý nhiều vấn đề, trong đó có việc không nên áp dụng chuẩn giáo viên cho các nhà khoa học, đặc biệt là với các nhà khoa học ở các trường, viện định hướng nghiên cứu. Ông cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ, nếu không Luật Nhà giáo có nguy cơ khiến toàn bộ hệ thống giáo dục đơn điệu và thiếu sự sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, Luật Nhà giáo không phải là luật “gom” những vấn đề của nhà giáo ở trong các luật vào mà phải làm sao để quy định về nhà giáo trong luật này đồng bộ với các luật khác.

“Mục đích của Luật Nhà giáo là làm sao để nhà giáo được tôn vinh hơn, vị thế nhà giáo được đặt cao hơn; chính sách, môi trường cơ chế nhà giáo tốt hơn và nhà giáo yêu nghề hơn”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng đồng tình, Luật Nhà giáo ban hành không phải để đưa ra những quy định để quản lý nhà giáo mà giúp đội ngũ nhà giáo phát huy được tâm huyết, trí tuệ, tài năng của mình. Ông cho biết, các ý kiến đóng góp sẽ được ghi nhận để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo và trình Quốc hội trong thời gian tới.

Theo baotintuc.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Với chủ đề "Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", Tháng Thanh niên năm 2024 là dịp để tuổi trẻ toàn tỉnh phát huy vai trò xung kích, tình nguyện góp sức cùng hệ thống chính trị xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
Return to top