|
Giáo viên sẽ là người khơi dậy niềm đam mê học tập cho học sinh |
Nhớ lại ngày trước, học trò lớp một suốt buổi lên lớp thường chỉ ngồi yên một chỗ đánh vần ê… a theo nhịp thước của cô giáo. Còn nay, các em được khuyến khích tương tác và tự tin trao đổi nên giáo viên cũng phải năng động theo. Cô giáo Bích Lý, Tổ trưởng tổ lớp một Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Phong Điền) đã có 22 năm đứng lớp. Theo cô Lý, chương trình thay sách giáo khoa lúc đầu gặp khó khăn nhưng cũng dễ dàng vượt qua. Lớp học không chỉ nằm trong những phòng học, mà có khi là một góc sân trường để cô trò cùng trải nghiệm.
Chương trình GDPT 2018 hướng đến việc phát huy năng lực của học sinh nên buộc những giáo viên tiểu học như cô Bích Lý phải linh hoạt. Họ có nhiều công việc phải làm, từ soạn bài, sinh hoạt chuyên môn đến nghiên cứu bài học. Mới vào lớp một, học sinh như tờ giấy trắng nên giáo viên phải hướng dẫn các em từ nhận biết mặt chữ cái, cách đánh vần, phát âm… cho đến phát triển kỹ năng học tập và cả kỹ năng sống.
Một cô giáo lớp một cho hay, khi dạy học sinh nhận diện về một số hình khối (hình vuông, chữ nhật…) chẳng hạn, ngoài kiến thức, hình minh họa trong sách giáo khoa, cô thường mang đến lớp những vật dụng có hình khối như trên để các em quan sát trực quan, và biết vận dụng kiến thức vào thực tế. Theo nguyên tắc giáo dục tránh nhồi nhét, giáo viên làm sao để học sinh tiếp thu một cách nhẹ nhàng. Kết thúc lớp học, trẻ phải “biết đọc, biết viết”. Cô phải dạy cho trẻ về kiến thức tự nhiên - xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ban đầu... Giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh và hơn hết là một tấm lòng yêu thương con trẻ.
Chương trình GDPT mới không còn cảnh "thầy đọc trò chép", học sinh tiếp thu kiến thức một chiều như trước mà giáo viên thường xuyên tổ chức các hoạt động thực hành trên lớp để trò tự tìm hiểu, trao đổi và khám phá kiến thức. Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học được xem là giải pháp then chốt để thực hiện Chương trình GDPT mới. Thầy, cô phải nhiệt tình, có kiến thức, khả năng giảng dạy; có kỹ năng tổ chức hướng dẫn học sinh; khai thác và sử dụng các đồ dùng dạy học; có năng lực tự thu thập thông tin phục vụ các yêu cầu dạy học.
“Giáo viên sẽ chấp nhận cả những phát biểu chưa đúng, chưa chính xác của các em. Trên cơ sở đó, tiếp tục trao đổi, nhận xét và bổ sung kiến thức cho học sinh. Học trò không bị gò ép theo hướng của giáo viên mà tự do suy nghĩ, sáng tạo. Giáo viên chỉ là người “chốt chặn” cuối cùng để bảo đảm học sinh hiểu đúng, hiểu đủ các vấn đề”, cô giáo Hồ Thị Thanh Vân, Trường THCS Huỳnh Đình Túc (TP. Huế) chia sẻ.
Xây dựng Trường học hạnh phúc ở các trường hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ở đó, cần chú trọng dạy người cùng dạy chữ. Đặc biệt, văn hóa học đường đòi hỏi vai trò mẫu mực của nhà giáo. Cho nên muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh về kiến thức.