ClockThứ Năm, 22/06/2017 05:56

Cho con làm thêm dịp hè

TTH - Hè về, đã có một số phụ huynh có xu hướng cho con trải nghiệm bằng cách... đi làm thêm.

 Giới trẻ làm thêm để được trải nghiệm (ảnh chỉ có tính minh hoạ)

Ba mẹ trả lương cho con

Vợ chồng chị H. là khách quen của quán cà phê Đ. Chị tâm sự, mùa hè, ngoài giờ học thêm các con chỉ biết chúi mũi vào máy tính. Anh nghĩ cách, “thuê” con tưới hoa, mỗi buổi sáng tưới cho ba giàn lan và mấy cây cảnh được nhận… 20.000 đồng. Đứa em giành ngay công việc. Bé chị cũng nhấp nhổm. Đi uống cà phê, thấy cô chủ treo bảng tuyển nhân viên, hai mẹ con bàn bạc rồi quyết định cho con đi làm thêm ở quán cà phê.

Mỗi ngày, thay vì ngủ đến 7 - 8 giờ, uể oải ăn sáng, rồi chúi mũi vào ti vi, điện thoại… bé TH. nay 5 giờ sáng đã thức dậy. Công việc là bưng bê cà phê cho khách. Diện “tiểu thư con nhà” nên bé cứ lóng ngóng mãi. Chị H. như biết trước nên đã “làm việc với chủ quán” để TH. có chế độ “ưu tiên”. Chỉ vài ngày, TH. đã quen việc, bé nhanh nhẹn vui vẻ nên quán nhỏ vui hẳn lên. Về lương, sinh viên “có tay nghề” đi làm ở quán cà phê cũng chỉ thu nhập từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng/tháng. Để động viên con, chị H. cũng “xi nhan” trước với chủ quán, lương của TH. gần 2.000.000 đồng. TH. vì thế rất chăm chỉ. Sau hơn một tháng, cô bé vui vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn.

Thấy con cô chủ cần bạn học, TH. giới thiệu luôn cô bạn cùng lớp học rất giỏi tới làm… gia sư. Mỗi ngày 4 tiếng cô bạn tới học chung với em. Công việc là luyện chữ, theo dõi em làm các bài tập và đọc truyện cho em nghe, cùng thời gian với cô bạn chạy bàn. Khoản tiền lương của “gia sư” khá hậu hĩnh, ngang với lương “chạy bàn”.

Không phải vì thiếu tiền

Ba mẹ TH. là những người có công việc và thu nhập ổn định. Họ xuất thân từ thành phần lao động, rất chú trọng đầu tư cho con học hành và cũng muốn giáo dục các con biết quý trọng đồng tiền làm ra. Đặc biệt, họ rất sợ các con không thấu hiểu sự vất vả của người lao động, coi thường tiền bạc mà ba mẹ chi ra để lo cho cuộc sống, việc học hành của chúng. Đồng thời, các vị phụ huynh này mong muốn mở rộng thế giới của các con ngoài nhà trường, ipad, tivi với một kỳ nghỉ hè ý nghĩa, nhiều trải nghiệm.

Nhu cầu chọn cho các con một công việc vừa sức, an toàn, qua đó nhận được bài học về giá trị đồng tiền là cần thiết nên họ không ngại ngùng cho phép con đi làm vào dịp hè. Tuy nhiên, với trách nhiệm làm cha làm mẹ, họ muốn các con làm việc trong môi trường lành mạnh, an toàn. Vì vậy, tìm cho con một công việc an toàn, cường độ, tính chất công việc phù hợp với tâm lý lứa tuổi là cần thiết. Các bậc phụ huynh này thường “mua” chủ để trả công cho con một khoản có đủ tính khích lệ để tránh các em thấy “vất vả” nhưng thu nhập thấp, mà bỏ việc. Họ cũng yêu cầu chủ bắt “nhân viên” phải tuân thủ “kỷ luật”, không được chiều chuộng “nhân viên” như… con trong nhà.

Mới gần 2 tháng đi làm nhưng cô bé TH. nhõng nhẽo, “hậu đậu” đã thay đổi hẳn. Chị H. cho biết, khi ở nhà cháu cũng đã “quen tay” ăn cơm xong rửa chén bát cho mẹ, đôi khi tự giác lấy chổi quét sân… Buổi tối, cô bé còn nhắc em bớt chơi game, lo học bài… Với chị H., đó là thành công bước đầu, còn với TH., cô bé đang náo nức với công việc bởi đã có kế hoạch để tiêu những đồng tiền làm ra một cách có ý nghĩa, thay vì mua sắm “vô tư” như khi còn dùng tiền của ba mẹ. Điều mà ba mẹ TH. mừng nhất còn là cô bé không hề e ngại khi từ chối các cuộc hẹn “không đâu” từ nhóm bạn bè “tiểu thư” với lý do “ bận đi làm” bằng giọng nói rất tự hào và dứt khoát.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước
Lịch sự nơi giảng đường

Tác phong lịch sự, chuẩn mực, không chỉ giúp tạo ra nét văn minh nơi giảng đường, mà còn góp phần tạo nên những công dân toàn diện sau này.

Lịch sự nơi giảng đường

TIN MỚI

Return to top