|
Lãnh đạo ĐHH tiếp và làm việc với Đoàn đại sứ Ireland tại Việt Nam |
Đón cơ hội lớn
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐHH cho rằng, đến thời điểm này, ĐHH đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành Đại học Quốc gia. ĐHH được xây dựng trên vùng đất Cố đô Huế, trung tâm miền Trung, có sự kết nối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống hiếu học. Trong quá trình xây dựng và phát triển, ĐHH thường xuyên nhận được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, ban ngành trung ương và sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp có hiệu quả của tỉnh, các đơn vị trong tỉnh và địa phương trong khu vực.
Với mô hình đại học vùng, ĐHH có điều kiện quản lý tập trung các nguồn lực, sử dụng chung đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để xây dựng một đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao. Tổ chức bộ máy quản lý ĐHH và các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc tinh gọn, năng động, chất lượng và hiệu quả.
Số lượng công bố khoa học của cán bộ, giảng viên ĐHH trên các ấn phẩm khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI (hay WoS) và danh mục Scopus tăng nhanh và đều trong 8 năm qua. Tốc độ gia tăng số lượng công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín giai đoạn 2015 - 2023 ước khoảng 25-30%/năm. Liên tiếp trong 5 năm (2018 - 2022), ĐHH đứng thứ hai trong các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng công bố thuộc danh mục ISI và được Bộ khen thưởng.
ĐHH cũng là thành viên chính thức của 17 mạng lưới đại học, tổ chức đào tạo và nghiên cứu quốc tế; tham gia hầu hết các mạng lưới viện nghiên cứu và trường đại học trong nước theo các ngành nghề đa dạng. ĐHH có mối quan hệ với nhiều tổ chức tài trợ quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Á, Ford Foundation, East meets West (Hoa Kỳ), Rockefeller Foundation, JICA, KOICA, Sida/SAREC, ICCO, Erasmus Mundus khu vực Đông Nam Á.
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đại học, nguyên Giám đốc ĐHH nhìn nhận, sau 30 năm tái lập, quy mô đội ngũ, số chuyên ngành đào tạo, số trường đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc ĐHH không ngừng tăng lên. Số liệu phát triển quy mô qua các thời kỳ cho thấy, tỷ lệ giảng viên có trình độ GS, PGS, TS thuộc tốp đầu các đại học hiện nay, số lượng sinh viên chính quy gấp 9 lần so với thời điểm mới tái thành lập. Chỉ tiêu tuyển sinh của ĐHH năm 1994 chỉ bằng quy mô tuyển sinh của một trường đại học thành viên của ĐHH hiện nay.
Nguồn tài chính của ĐHH có sự tăng trưởng với tốc độ tăng trung bình từ 12-15%/năm, trong đó chủ yếu là các nguồn thu sự nghiệp và dịch vụ ngoài ngân sách nhà nước cấp. ĐHH tiên phong trong việc thực hiện tự chủ tài chính (có 4/8 trường thành viên tự chủ tài chính mức 1 và mức 2 từ năm 2022); các đơn vị còn lại tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên trung bình từ 72% đến 75%.
Thách thức và hướng tháo gỡ
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn cho rằng, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, thực tế luôn tồn tại mâu thuẫn về phân cấp, phân quyền giữa các trường đại học thành viên và đại học vùng, nhất là khi thực hiện chủ trương tự chủ đại học. Trước khi có Thông tư 08/2014/TT-BGDĐT, các đại học vùng tồn tại các khoa trực thuộc có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản để hoạt động, nhưng khi thực hiện Thông tư 08/2014 quy định các khoa trực thuộc đại học vùng hoạt động như các khoa của các trường thành viên. Trong khi thực tế cho thấy, các khoa trực thuộc của các Đại học Quốc gia và Đại học vùng có quy mô, chức năng nhiệm vụ khác với các khoa thuộc trường đại học.
Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, bên cạnh những cơ hội, hiện nay ĐHH cũng có nhiều thách thức phải đối diện. Đó là một số chế độ chính sách của Nhà nước, của ngành không còn phù hợp với thực tế, chưa tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm công tác và khuyến khích cán bộ, viên chức làm việc nhưng lại chậm đổi mới. Mạng lưới hệ thống đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay vẫn theo tư duy kinh tế địa phương. Việc quy hoạch mạng lưới ngành nghề đào tạo ngày càng trở nên manh mún, phân tán và chưa phát huy hết lợi thế của các đại học lớn ở miền Trung.
Cơ sở vật chất của ĐHH chưa đồng bộ, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập. Khu đô thị ĐHH tại Trường Bia chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển của ĐHH và các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc. Chủ trương xây dựng ĐHH theo mô hình đại học vùng chưa gắn liền với các chính sách đầu tư, kinh phí hoạt động thường xuyên, các chương trình, dự án hỗ trợ khác nên chưa tạo điều kiện cho ĐHH phát triển theo cơ chế mới.
Trước yêu cầu đặt ra, PGS.TS. Lê Anh Phương đề nghị, cần ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Tài sản công, Luật Cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự đồng bộ về cơ sở pháp lý để thực hiện cơ chế tự chủ đại học. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chủ trì phê duyệt đề án và quyết định thành lập Đại học Quốc gia Huế trên cơ sở ĐHH theo tinh thần Nghị quyết 54, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ. Cần có cơ chế, chính sách đầu tư đối với ĐHH nói riêng, các đại học vùng nói chung để xứng tầm với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Cũng theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Chính phủ cần có lộ trình để đổi mới cách tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo theo hướng chú trọng năng lực, chất lượng, hiệu quả công việc thực tế. Đồng thời, sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện, đầy đủ về tự chủ đại học, tháo gỡ những bất cập về đầu tư công, tài sản công và ngân sách để các cơ sở giáo dục đại học có lộ trình tái cấu trúc cho phù hợp với định hướng tự chủ.