Sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tìm hiểu thông tin tuyển dụng, việc làm
Đầu vào thấp, thậm chí có ngành học không mở được ở một số trường thành viên; ngày càng có nhiều học sinh Huế và các tỉnh lân cận không chọn ĐH Huế là thực trạng đáng suy nghĩ.
“Sốt ruột” với tuyển sinh
Gặp Lê Thị Quỳnh Trang, cựu học sinh Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Quốc Học Huế sau 2 năm học ngành kinh doanh quốc tế tại một trường ĐH ở TP. Hồ Chí Minh, em bảo rất nhớ Huế khi đi xa, nhưng nếu quyết định chọn lại trường, Trang vẫn khẳng định là mình đúng. Trang bảo: “Ở TP. Hồ Chí Minh có môi trường học tập thuận lợi và nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”.
Tâm sự của Trang là nỗi lo của nhiều cơ sở giáo dục tại Huế. Đến mùa tuyển sinh, lãnh đạo các trường đau đáu khi không thu hút người học như kỳ vọng. Trường ĐH Sư phạm mùa tuyển sinh 2018 là một ví dụ. Kết thúc tuyển sinh, nhà trường chỉ có 521 tân sinh viên (chỉ tiêu là 1.375). Một giảng viên lâu năm tại trường chia sẻ, đây là con số thấp kỷ lục.
Tuy số lượng “nhỉnh” hơn, song nhiều khoa của Trường ĐH Khoa học cũng đang sốt ruột. Các ngành lịch sử, ngôn ngữ học, xã hội học trong đợt 1 đều có không quá 10 sinh viên (SV). Cá biệt, có 7 ngành (vật lý học, địa chất học, khoa học môi trường, toán học, toán ứng dụng, kỹ thuật địa chất, sinh học) kết thúc tuyển sinh đợt 1 vẫn chưa tìm được người học hoặc chỉ có một vài SV. Đáng nói là, Trường ĐH Khoa học đã hạ chuẩn hết mức khi có 22/24 ngành lấy điểm chuẩn bằng sàn (13 điểm). Dù điểm chuẩn thấp, song trường chỉ tuyển được gần 800 SV/1.770 chỉ tiêu, thấp hơn năm 2017 gần 380 SV.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế trong mùa tuyển sinh 2018
Đó là hai cơ sở giáo dục ĐH vang tiếng một thời khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Còn ở Trường ĐH Nghệ thuật, Khoa Giáo dục Thể chất, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị… mỗi đơn vị có một cái khó riêng, nhưng mẫu chung là không tuyển được “quá bán” so với chỉ tiêu, khiến bức tranh tuyển sinh ĐH Huế năm nay không sáng hơn năm 2017. Minh chứng là 104% thí sinh (TS) trúng tuyển nhưng kết thúc nhập học đợt 1, ĐH Huế chỉ còn khoảng 70% SV so với chỉ tiêu. Điều này khiến 74 ngành của 9 trường thành viên, khoa, phân hiệu trực thuộc phải thông báo tuyển bổ sung, nhưng chỉ có thêm hơn 200 SV trong tổng số hơn 3.000 chỉ tiêu, một con số quá thấp.
Chúng tôi gặp không ít TS trúng tuyển tìm “đất học” mới thay nguyện vọng đăng ký ban đầu tại Huế. Đó đều là người có điểm thi cao, trung bình từ 20 điểm. Nhiều trường hợp chia sẻ đủ khả năng đậu các ngành ở Huế, song người thân, bạn bè khuyên thử sức ở trường khác. Với quy định mới về tuyển sinh, họ đã điều chỉnh nguyện vọng khiến các cơ sở giáo dục ĐH Huế mất người học.
Nguyên nhân & hệ lụy
Một SV Huế học công nghệ thông tin (CNTT) ở TP. Hồ Chí Minh phân tích, so với nhiều đơn vị khác, Huế không có nhiều doanh nghiệp lớn về CNTT. Có năm SV không tìm ra nơi thực tập, buộc phải thực tập tại trường. Học đã khó, ra trường tìm việc với mức lương chấp nhận được lại còn khó hơn. Muốn “nhảy việc” trái nghề không dễ vì tuyển dụng ít; có chăng là Nam tiến. Trần Hoàng Long, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, vừa đậu Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề: “Nếu học ở Huế rồi phải vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc, tại sao không học tại nơi mình hướng nghiệp để thích nghi với môi trường sống và các doanh nghiệp tại đó sớm?”.
Chất lượng đầu vào giảm kéo theo thương hiệu các trường bị ảnh hưởng. Nhiều ngành nhận điểm chuẩn chưa tới 5 điểm mỗi môn đặt ra sự hoài nghi cho xã hội và doanh nghiệp: Liệu có thể đào tạo nhân tài từ những người xuất phát điểm không giỏi? Chị Nguyễn Thị Loan, mẹ của một học sinh Huế vừa đậu ĐH tại TP. Hồ Chí Minh, thật lòng: “Cho con học xa, cha mẹ nào cũng đắn đo. Chất lượng đào tạo của ĐH Huế có thể đã được khẳng định, song đầu vào thấp khó xóa được sự nghi ngờ về môi trường thiếu cạnh tranh trong học tập”.
Vẫn còn có thêm lý do khác được các chuyên gia chỉ ra, đó là tâm lý xã hội và điều kiện kinh tế xã hội Huế chưa phát triển mạnh. Nhiều người hoài nghi các trường ở Huế chậm đổi mới và hội nhập, nhất là các ngành công nghệ và kỹ thuật. Cũng có ý kiến đặt câu hỏi, phải chăng sự kết nối, liên kết giữa ĐH Huế và chính quyền địa phương chưa tốt (?). Rõ ràng, sự nghi ngờ của xã hội đã gián tiếp tác động điểm chuẩn của nhiều trường. Năm nay, ngoại trừ Trường ĐH Y dược và một số ngành của Trường ĐH Ngoại ngữ thì đa phần các ngành còn lại đều có điểm chuẩn chưa cao. Theo thống kê, khoảng 60 ngành có điểm chuẩn bằng điểm sàn, trong đó có 58 ngành lấy 13 điểm.
Có thể kỳ thi THPT Quốc gia 2018 khó, song việc hạ chuẩn, kể cả trường “top” trên như Trường ĐH Y dược hay các ngành “hot” như báo chí, CNTT (Trường ĐH Khoa học), chăn nuôi, thú y (Trường ĐH Nông lâm) cho thấy hệ lụy của chiến lược chưa thực sự hiệu quả. Điều này nảy sinh cách đánh giá thấp của xã hội với việc học ĐH vì cho rằng vào ĐH quá dễ. Nhà trường chờ người học là chuyện có thật. Thậm chí, các trường còn linh động “phá rào”, tiếp nhận TS xác nhận nhập học sau khi hết thời gian thông báo nhưng vẫn không tuyển đủ.
Thiếu người học khiến nhiều ngành đứng trước nguy cơ giải tán. Từ năm 2015 đến nay, có hàng chục ngành bị liệt vào danh sách khó tuyển, chủ yếu ở Trường ĐH Nghệ thuật, Khoa học, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng trị. Thậm chí, một số hội đồng thi (như năng khiếu thể chất), cán bộ làm công tác thi còn... nhiều hơn TS(!) Lãnh đạo ĐH Huế thừa nhận, các ngành khoa học cơ bản và năng khiếu cần cơ chế đặc thù, trong khi một số ngành không tránh khỏi việc tạm dừng vì dù triển khai nhiều giải pháp vẫn không thể tuyển đủ.
Tuyển sinh khó dẫn đến nguy cơ chảy máu chất xám. Không ít cán bộ, giảng viên đã và đang có ý định tìm “bến đỗ” mới thay vì gắn bó với ngôi trường đã “nuôi sống” họ nhiều năm qua. Một cán bộ tâm sự: “Ra đi là chuyện không ai muốn nhưng thiếu người học dẫn đến nguy cơ thiếu giờ giảng, ảnh hưởng “cơm, áo, gạo, tiền”. Bối cảnh sắp tới tự chủ ĐH mà các trường còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu học phí, đời sống của cán bộ, giảng viên sẽ khó khăn hơn”.
(còn nữa)
Bài, ảnh: Hữu Phúc