Học sinh học làm các loại bánh lá trong ngày Tết
Trước khi nghỉ Tết, giáo viên chủ nhiệm các khối lớp tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản đều giao học sinh các “bài tập” đặc biệt khiến học sinh vô cùng thích thú. Trong những ngày Tết, các em có thể giúp ông bà, cha mẹ, dọn dẹp nhà cửa, có ý thức giữ gìn môi trường sống. Một số lớp cũng giao học sinh viết những bài cảm nhận về ngày tết. Các lớp khác khuyến khích học sinh chụp ảnh, quay video giới thiệu những cảnh đẹp mà các em có dịp đến vào ngày Tết hay những lời chúc Tết người thân rồi quay clip gửi về giáo viên chủ nhiệm... Hoạt động này được nhiều trường hướng dẫn thông qua những phiên chợ Tết được tổ chức tại trường học.
“Giáo viên không giao bài tập nhưng rèn kỹ năng sống cho các em. Khi đi học lại, cũng là hình thức truy bài, nhưng học sinh sẽ hào hứng khi kể về những trải nghiệm, việc mà mình đã làm được trong suốt kỳ nghỉ Tết”, thầy giáo Dương Quang Nam, Hiệu Trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản cho hay.
Theo hiệu trưởng các trường, để học sinh có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn thì nhà trường sẽ không nặng nề với bài tập về nhà. Nhưng cũng cần có hoạt động để kích hoạt trạng thái học tập, nhất là các em cuối cấp. Tất nhiên không nhất thiết là bài tập theo kiểu hàn lâm, truyền thống mà có thể chỉ là sơ đồ tư duy tổng hợp những gì đã học bằng hình thức trắc nghiệm giúp các em hệ thống lại kiến thức.
Hướng dẫn các em cách gói bánh chưng trong ngày Tết
Chị Nguyễn Thị Ý, có con học Trường tiểu học Quang Trung chia sẻ: Trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết, tôi cùng con hoàn thành các nội dung bài tập, sắp xếp góc học tập gọn gàng, khoa học để tạo tâm lý thoải mái và giúp con cảm thấy hứng thú và động lực khi quay trở lại việc học".
Cũng theo chị Ý kỳ nghỉ Tết là cơ hội để phụ huynh dạy con các kỹ năng như: sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý, lập kế hoạch chi tiêu, mua sắm và chuẩn bị các món ăn trong ngày Tết; dạy con cách bài trí nhà, mâm ngũ quả, mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết. Qua đó, học sinh sẽ biết trân trọng những giá trị của ngày Tết và gìn giữ nét đẹp văn hoá của dân tộc và cũng là cơ hội để phụ huynh gần gũi, hiểu con mình hơn.
Nhiều phụ huynh bày tỏ, sẽ bố trí thời gian để cùng con lập một thời gian biểu trong những ngày nghỉ. Thời gian biểu đó ghi rõ kế hoạch của mỗi thành viên trong gia đình, ngoài những thời gian dành để vui chơi, đi chúc Tết thì phụ huynh có thể gợi ý con bổ sung thêm các hoạt động như rèn luyện thể dục thể thao, làm việc nhà và lên kế hoạch cho việc quay trở lại ôn bài trước khi kết thúc kỳ nghỉ.
Theo cô Lê Thị Mai Lan, giáo viên Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, nhiều học sinh, sau kỳ nghỉ dài, một số kiến thức, kỹ năng và thói quen học tập bị thay đổi… khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng khi con không hợp tác. Thế nên, những ngày đi học trở lại, phụ huynh nên hướng dẫn con ôn bài. Lưu ý, trong những ngày này không nên bắt con học cường độ cao, chỉ cần học những môn con thấy hứng thú và thích. Khi con đã vào nhịp trở lại, phụ huynh mới gợi ý cho con chuẩn bị bài cho ngày đầu quay trở lại trường.
"Để tránh tình trạng con ốm, mệt không thể quay lại trường đúng hạn hoặc gây tâm lý mệt mỏi, khó chịu khi phải quay lại trường, bố mẹ cần duy trì thói quen ăn, ngủ đúng giờ cho con ngay cả trong kì nghỉ. Đừng để Tết với trẻ chỉ là chuỗi ngày dài chỉ ăn, ngủ và chơi, hãy biến ngày Tết trở thành dịp để trẻ trải nghiệm, dạy cho con nhiều điều, giúp con trưởng thành hơn về hiểu biết và cảm xúc”, cô Lan chia sẻ.
Riêng học sinh khối 12, thầy cô bộ môn ở một số trường đã giao một số bài tập theo hình thức trắc nghiệm với mục đích giúp các em không bị quên kiến thức và nhanh bắt nhịp với việc học sau kỳ nghỉ. Nhà trường chỉ đạo và định hướng thầy cô cho bài tập với lượng kiến thức ở mức độ ôn tập nhẹ nhàng.
Bài, ảnh: An Nhiên