|
Thầy cô phải là người gần gũi và sẻ chia với các em. Ảnh: Thu Huế |
Cô giáo Văn Thị Thanh Loan có 32 năm trong nghề, giờ đã nghỉ hưu. Dạy ở Trường THPT Tam Giang (Phong Điền), rồi chuyển lên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, ở đâu cô cũng được học sinh tin yêu. Bí quyết của cô Loan là phải gần gũi với các em như người bạn, cần lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương, không phân biệt hoàn cảnh, lực học; phải nhìn vào cái tốt, điểm mạnh để động viên học trò tiến bộ.
Bạn trẻ thời nay năng động, nhạy bén với cái mới nên luôn có tư duy phản biện. Thầy giỏi là biết khơi dậy đam mê, biết phát huy nội lực và khả năng sáng tạo của học sinh. Thầy Trần Văn Quyết giáo viên Trường THPT Vinh Lộc (Phú Lộc) cho rằng: “Thầy cô tôn trọng học sinh thì học sinh mới phát huy được nhiều khả năng và có động lực để thể hiện. Có thể có những tìm tòi phát hiện của học sinh mà thầy cô cần phải học, bổ sung vào hành trang sư phạm của mình”.
Có lẽ quan niệm Kỷ luật là sức mạnh hay nghề giáo là nghề gõ đầu trẻ đã không còn phù hợp. Nhiều thầy cô giáo muốn học trò chăm chỉ nên kỷ luật những trò lười biếng; muốn trò ngoan ngoãn, đoàn kết nên kỷ luật những trò hay gây gổ. Nghiêm khắc, có những biện pháp mạnh với lớp học… sẽ làm cho thầy ra thầy, trò ra trò. Tất nhiên những thành công mà mình có được như nề nếp, thành tích, vị thứ lớp học… chưa hẳn làm người thầy hạnh phúc. Bởi lẽ, những “kỷ luật sắt” làm cho lớp học thiếu đi không khí thân thiện, cởi mở. Học sinh ngày càng xa rời và giữ khoảng cách đối với thầy cô. Trước mặt người thầy, các em tự thu mình lại. Một khi, cái tuổi “ẩm ương” này bị ức chế, thiếu người lắng nghe, thấu hiểu thì những hành động nông nổi có thể xảy ra dẫn đến bạo lực học đường.
Mỗi người thầy cần phải thay đổi, thay đổi quan niệm, phương pháp giáo dục. Phải nhận ra rằng, có lúc kỷ luật học sinh là sự thất bại trong giáo dục. Cô giáo Dương Thị Lan có thâm niên 26 năm giảng dạy ở Trường THCS Thủy Châu (Hương Thủy) chia sẻ: “Mối quan hệ thầy trò gần gũi, thân thiện là yếu tố giúp học sinh có động lực để tiến bộ trong học tập. Thầy cô xem học sinh là bạn thì các em dễ dàng chia sẻ những tâm tư, vướng mắc của tuổi mới lớn”. Kỷ luật tích cực là cần thiết, nhưng sự bao dung, gần gũi của người thầy lại có tác dụng lớn hơn nhiều. Còn cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Huế) cho rằng, người thầy phải tạo cơ hội cho các em, đặt niềm tin vào các bạn trẻ thì lúc đó các bạn mới tin yêu và trao niềm tin trở lại thầy cô.
Bằng nghệ thuật sư phạm, mỗi người thầy nhất thiết phải thay đổi theo hướng thấu hiểu, lắng nghe, dùng một lời khen ngợi, lời động viên, một cử chỉ quan tâm chân thành, một nụ cười trong tiết dạy; lồng ghép mẩu chuyện có giá trị giáo dục vào trong bài giảng… sẽ làm ấm lòng các em. Học sinh vì mến, vì yêu thương, tin trưởng, trân trọng, phấn khởi mà học, mà chăm ngoan chứ không phải vì sợ thầy cô mà răm rắp, ngoan ngoãn nghe theo, làm theo… Làm được như thế thì hành trình giáo dục sẽ đong đầy niềm vui, môi trường giáo dục mới thật sự trong lành, thân thiện.