|
Học sinh A Lưới mong muốn có bữa ăn bán trú |
Bán trú cho học sinh vùng cao bao năm vẫn là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh. Người dân nơi đây thường làm đủ nghề, nhưng chủ yếu vẫn là cạo mủ cao su và thợ nề. Với công việc này, phụ huynh thường đi làm ăn xa, lại đi sớm, về muộn nên việc đưa đón con gặp khó khăn. Có em ở xã A Roàng, nhà cách trường từ 3 đến 5km, nhiều ngày phải “cuốc bộ” đến trường, nhất là vào mùa mưa gió lại càng nguy hiểm. Thế nên, có thời gian, nhiều em về nhà ăn cơm trưa thì buổi chiều lại ngủ quên, hoặc không có người chở nên nghỉ học. Giáo viên lại cuống cuồng chạy xe đến đón các em về học.
Với chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ học hai buổi/ngày, nên nếu có bán trú thì "nhất cử lưỡng tiện". Các em sẽ được ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, có thời gian học kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, trước mắt, bán trú cho học sinh A Lưới vẫn còn nhiều rào cản. Với trên 5.200 học sinh ở 17 trường tiểu học và 4 trường tiểu học và trung học cơ sở, các em vẫn phải chọn phương án về nhà vào buổi trưa hoặc đem cơm đi theo. Giải pháp tạm thời, giáo viên chủ nhiệm ở các trường đã bố trí cho các em ngủ lại trưa ở lớp khi nhà xa trường.
Thực tế, mô hình học bán trú ở A Lưới được nhiều trường ấp ủ xin các nguồn tài trợ và xã hội hóa. Tuy nhiên, khó khăn vẫn là các trường thiếu cơ sở vật chất, phòng ốc nên nếu ở lại trưa các em không có chỗ nghỉ ngơi. Chưa kể, phụ huynh và nhà trường chưa có tiếng nói chung trong việc thống nhất kinh phí thỏa thuận; không có kinh phí thuê mướn bảo mẫu để quản lý học sinh...
Chia sẻ về việc chưa thực hiện được bán trú ở Trường tiểu học Kim Đồng, ông Khởi cho biết, nhà trường đã triển khai mức đóng dự kiến 20.000 đồng/em cho bữa ăn trưa, chưa bao gồm các khoản chi phí khác. Hơn nữa, theo quy định, từ 40 đến 50 học sinh buộc phải có 1 cấp dưỡng và với 1.000 học sinh của Trường tiểu học Kim Đồng phải cần tối thiểu 20 cấp dưỡng. Số tiền thuê cấp dưỡng cũng không phải là nhỏ. Thế nhưng, phụ huynh chưa đồng tình khi cho rằng vì sao độ tuổi mẫu giáo không phải trả lương cho cấp dưỡng mà tiểu học phải trả?!
Trước tình hình đó, Trưởng phòng GD&ĐT A Lưới Hồ Văn Khởi cũng đã đề xuất các phương án cho thời gian đến. Chẳng hạn, nếu không có tiền trả cho cấp dưỡng thì sẽ hợp đồng với các đơn vị cung ứng bữa ăn trưa cho các em; vận động giáo viên ở lại để quán xuyến bữa ăn cho các cháu... Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương cũng như các mạnh thường quân trong hỗ trợ quỹ đất, xây dựng bếp ăn...
Thực tế, vẫn có nhiều trường tổ chức bán trú dựa vào khoản kinh phí thỏa thuận với phụ huynh. Đây cũng là vấn đề đặt ra về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ tại các bếp ăn trong nhà trường và quản lý học sinh ở lại trưa… Thế nên, trước mắt bán trú vẫn đang là ước ao của phụ huynh và học sinh, mong muốn các em có bữa ăn trưa chất lượng và ngủ đủ giấc khi đang ở “tuổi ăn, tuổi học”.