ClockChủ Nhật, 23/01/2022 21:09

Đến trường với chiếc cặp lồng đựng cơm

TTH - Ngoài sách vở và giáo án, những chiếc cặp lồng đựng cơm trưa hằng ngày vẫn đồng hành cùng thầy trò ở những điểm trường lẻ của xã Hồng Thủy, huyện A Lưới.

Thầy giáo của học sinh nghèoBằng tình yêu với vùng caoNgười “gieo chữ” ở vùng cao

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng các em vẫn đến lớp đầy đủ

Cơm trưa ở trường

Buổi cơm trưa của học sinh ở Trù Pỉ, một trong hai điểm trường lẻ của Trường TH&THCS Hồng Thủy, xã Hồng Thủy (A Lưới) nơi miền cao thật rộn ràng. Hôm ấy, kết thúc buổi học sáng thứ hai, các cô giáo đánh hồi trống báo hiệu giờ ăn cơm đã đến. Ngay lập tức, các em học sinh ùa ra như ong vỡ tổ, đem theo cặp lồng cơm được ba mẹ chuẩn bị sẵn, nhanh chóng đi về phía dãy hành lang quy định. Những cặp lồng cơm được mở ra. Thức ăn chủ yếu là những “sản phẩm” mà cha mẹ có thể kiếm được từ trên rừng. Ngày nào bố mẹ không kiếm được đồ ăn, có em phải ăn cơm với rau dại, măng rừng hoặc với đường. Đối với nhiều học sinh vùng cao, những món thịt, cá được xem là xa xỉ.

Vừa ăn, các em vừa thì thầm bàn tán về món ăn hợp khẩu vị rồi cười thật giòn tan, khiến khách là tôi tình cờ ghé thăm bỗng nhiên cảm thương đến lạ. Em Hồ Thị Nhuệ chân chất bày tỏ: “Em rất thích ở lại trường vì sau giờ học là được ăn ngon, cơm có cá thịt...”. Tôi hiểu ý Nhuệ khi được biết, cùng chung bữa ăn với các em có nhiều thầy, cô giáo. Bọn trẻ vẫn háo hức chờ đợi giờ ăn trưa, khi lúc nào giáo viên ở trường cũng đem theo cặp lồng với nhiều thực phẩm đủ chất để san sẻ cho các em. Cô giáo Dương Thị Kim Oanh tâm sự: “Thương học trò thiếu thốn nên giáo viên chuẩn bị thêm thức ăn. Cũng không có gì nhiều nhưng mình cố gắng chế biến cho bắt mắt, hấp dẫn để các em ăn ngon miệng. Đến giờ cơm, thầy cô múc từng thìa thức ăn chia đều cho học trò. Em nào ốm yếu, biếng ăn, cô giáo ưu tiên chia cho phần nhiều hơn các bạn”.

Để không “quên” đến lớp

Trường TH&THCS Hồng Thủy có trên 350 em học sinh tập trung ở cơ sở chính và 2 cơ sở lẻ là Pa ay và Trù Pỉ. Ông Hồ Xuân Tài, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trước đây, nhiều học sinh sớm trở thành lao động trong nhà do sức học yếu, bố mẹ lo làm ăn không ai đưa đón. Đã có thời gian, giáo viên cứ thấp thỏm không yên khi các em nghỉ học giữa chừng, nhất là vào buổi chiều. Lượng kiến thức ngày càng nhiều, nghỉ học buổi nào, chương trình lại bị gián đoạn. Đa số đồng bào đều không sử dụng điện thoại nên mỗi sáng giáo viên đến lớp sớm trước 10 phút. Khi thấy học sinh không đến đủ, họ sẽ báo cho phòng giáo vụ. Ở đây, có một “đội quân” từ bảo vệ, giáo viên bộ môn đến hiệu trưởng, những người không đứng lớp sẵn sàng đến từng nhà để chở các em.

Những tiết mục văn nghệ của học sinh Trường tiểu học và THCS Hồng Thủy

Cũng theo thầy giáo Hồ Xuân Tài, phần lớn các em học sinh đều có nhà cách trường học  từ 4 - 7km. Con đường đến trường phải qua bao núi đồi nên có em đi bộ cả giờ đồng hồ mới đến nơi. Nhà xa nên nhiều em đi học buổi sáng, trưa về nhà ăn cơm đến chiều thì “quên” đến lớp. Để các em đi học đầy đủ, thầy cô vận động cha mẹ nấu cơm sớm cho con em mang đi ăn uống tại trường. Thầy giáo Hồ Văn Quang trải lòng: “Chúng tôi phải cử giáo viên đến từng nhà để vận động phụ huynh, tranh thủ ý kiến của già làng để thuyết phục họ”. Qua vận động, có tới 50 em mang cơm để ở lại trưa, thuận tiện cho việc học tập.

Làm thầy & làm mẹ

Không chỉ khó khăn về chuyện ăn uống, học sinh nơi đây còn thiếu thốn cả trang phục, quần áo. Nhiều em đến lớp với chiếc áo mỏng dính, có em đi chân đất tới trường. Trời mưa, quần áo phơi chẳng kịp khô, có em phải mặc quần áo của cha mẹ mặc đi học. Thương học trò, giáo viên tại trường thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ áo ấm và dép cho học sinh. Lo ngại các em bỏ học giữa chừng, ngành giáo dục A Lưới đã liên tục vận động phụ huynh học sinh quyên góp gạo, tiền, tùy theo điều kiện tự có của mỗi gia đình để các em có thể đến trường. Ngoài ra, nhà trường cũng vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ các em.

Bữa cơm trưa của học sinh Trường tiểu học và THCS Hồng Thủy

Để đến được với điểm trường Trù Pỉ - một trong hai điểm trường lẻ của trường TH&THCS Hồng Thủy - cô giáo Dương Thị Kim Oanh cùng đồng nghiệp đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. 5 giờ sáng mỗi ngày, cô giáo Kim Oanh đã thức dậy, chuẩn bị cơm nước cho gia đình trước khi đi làm. Trường cách nhà gần 40km nên chiếc cặp lồng đựng cơm trưa cũng theo cô hơn 5 năm qua. Cô Oanh tâm sự: “Thật sự có những vất vả ngoài sức tưởng tượng, đó là những khó khăn về thời tiết mưa nắng thất thường, đường xá đi lại vùng cao thường xuyên sạt lở đất, đá vùi lấp, trơn trượt. Điều kiện sống lại kham khổ, trong khi người dân vùng cao chưa quan tâm nhiều đến việc học của con em. Vừa dạy, vừa dỗ, ngoài việc truyền tải kiến thức, mình xác định như cha mẹ chăm sóc con em mình”.

Ấy thế mà  hai từ “bỏ cuộc” chưa một lần xuất hiện trong suy nghĩ của cô Oanh và những đồng nghiệp, tất cả đều quyết tâm bám bản, bám trường, vì học sinh thân yêu. Hình ảnh người thầy, người cô, tranh thủ chút thời gian rỗi sau buổi dạy, xoay xở để có được bữa cơm đủ chất cho những cô cậu học trò, hay đơn giản chỉ là việc mang thêm ít thức ăn từ nhà để san sẻ cho các em học sinh trong bữa trưa ở trường đã trở thành hình ảnh đẹp nơi vùng cao Hồng Thủy. Gieo con chữ nơi vùng cao, vùng khó khăn luôn đòi hỏi sự hy sinh, sự tận tâm với nghề và tình yêu thương con trẻ của người thầy giáo.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc
"Mẹ Lành" của học trò vùng cao

Hai từ “mẹ Lành” thân thương được nhiều trẻ gọi cô Mai Thị Mộng Lành (Trường mầm non Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) không phải tự nhiên mà có. Ngoài giờ trên lớp, cô giáo Lành còn dành thời gian đến nhà thăm hỏi gia đình của các cháu. Đến buổi chiều vào giờ tan trường, có những trẻ mà ba mẹ đi làm rẫy chưa kịp về, cô Lành lại chở các cháu về nhà. Dù đường bản đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng không làm khó được cô giáo dáng người nhỏ nhắn.

Mẹ Lành của học trò vùng cao
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù

Ngày 15/11, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện A Lưới tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Đề án 2036 “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân khu dân cư Ba Lạch

Ngày 8/11, khu dân cư Ba Lạch (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” nhân dịp Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân khu dân cư Ba Lạch

TIN MỚI

Return to top