ClockChủ Nhật, 06/05/2018 11:23
DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN:

“Đỏ mắt” tìm nhân sự

TTH - Các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (IT) Thừa Thiên Huế đang phải đau đầu giải bài toán "thiếu nhân lực, khát nhân tài” dù mỗi năm, bình quân 6 trường đại học, cao đẳng tại Huế cho “ra lò” từ 400-500 sinh viên ngành IT.

Nhân viên làm việc tại PI Software

Chế độ hấp dẫn, vẫn thiếu người

Thành lập năm 2012, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật phần mềm PI- PI Software là DN khá tiếng tăm trên thị trường gia công xuất khẩu phần mềm cấp cao (làm các hệ thống thanh toán trên điện thoại, hệ thống quản trị website...) cho các đối tác đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore. Sản phẩm của PI Software được sử dụng ở 7 nước châu Á, được tập đoàn năng lượng (Mỹ) chọn làm đối tác.

Theo ông Tống Phước Minh- CEO PI Software, dù công ty luôn tạo điều kiện làm việc tốt nhất, có chính sách lương bổng cạnh tranh... nhưng vẫn rất khó thu hút người tài.

Giảng viên là đối tác nước ngoài giảng dạy cho học viên

Theo số liệu thống kê (khảo sát trong vòng 3 khóa gần đây) từ Trường đại học Khoa học, có 91% SV CNTT ra trường có việc làm; 3% đang học để nâng cao; 6% chưa có việc làm. Trong số SV được khảo sát, 72% SV ra trường làm việc ở ngoại tỉnh, 28% làm việc tại địa phương (bao gồm tự mở DN, làm việc trong cơ quan Nhà nước và trong các DN CNTT).

PI Software luôn trong tình trạng “cần người nhưng khó tuyển”, nhất là vị trí lập trình viên. “So với yêu cầu, đa số ứng viên có trình độ công nghệ còn hạn chế, yếu về ngoại ngữ, khiến việc tuyển dụng khó khăn”, ông Minh cho hay.

Tương tự, Công ty TNHH Phát triển phần mềm Hoa Sen – Lotus Outsourcing chuyên làm website (thương mại điện tử) với 90% thị trường ở Úc cũng sẵn sàng mời đón nhân sự IT với chế độ phúc lợi và lương thưởng khá tốt, như: làm việc trong môi trường thân thiện và chuyên nghiệp; được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; xét tăng lương 1 lần/năm, được đi tham quan, du lịch... Mức lương phổ biến từ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm đến chuyên gia là 5 đến trên 10 triệu đồng/tháng. Nhưng lúc cần, Lotus Outsourcing cũng “bói” không ra nhân sự.

CEO Lotus Outsourcing, anh Nguyễn Chơn Phương bày tỏ: “Lúc tuyển nhân sự, chúng tôi chỉ kỳ vọng các bạn sinh viên (SV) đáp ứng 20-30% yêu cầu đặt ra thì DN sẽ tuyển dụng ngay. Sau khi vào làm, công ty sẽ tiếp tục phát triển chuyên sâu. Tuy nhiên, rất hiếm SV đáp ứng được đòi hỏi này”.

Sẵn sàng đào tạo

Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh- HueCIT, Chủ tịch Hội Công nghiệp phần mềm Thừa Thiên Huế Lê Vĩnh Chiến cho biết, Huế có trên 130 DN CNTT nói chung, trong đó có khoảng 35 DN chuyên sản xuất và cung cấp dịch vụ phần mềm và nội dung số với gần 700 nhân sự. Số lượng DN không nhiều, quy mô chưa phải là lớn so với các địa phương nhưng vẫn thiếu hụt nhân lực. "Nhìn chung, số SV ra trường làm việc được ngay chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại phải đào tạo bổ sung", Giám đốc HueCIT thông tin.

Junoteam phối hợp tổ chức hội thảo để tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp

Để đối phó với thực trạng thiếu nguồn lực, bên cạnh tuyên truyền, quảng bá qua nhiều kênh, một số DN tìm cách đào tạo nguồn lực tại chỗ. “Nếu may mắn, DN sẽ “gặp” được những lao động có định hướng “không làm công ty lớn”, “muốn gắn bó ở Huế” để tuyển dụng. Đa phần, các DN IT phải nhờ vào “mối quan hệ” với thầy, cô ở các khoa, trường. Họ giới thiệu, DN tiếp cận đưa về công ty học việc, hướng dẫn từ khi còn là SV năm 2, năm 3 và tuyển dụng chính thức sau khi ra trường”, CEO Lotus Outsourcing nhìn nhận.

Không theo cách thông thường, CEO của Junoteam Dương Ngọc Ấn thì phối hợp với HueCIT tổ chức những buổi hội thảo liên quan đến lập trình và CNTT để truyền đạt, chia sẻ kiến thức đồng thời quảng bá DN để tuyển người tài. PI Software không chỉ thuê phiên dịch viên để hỗ trợ mà còn thành lập những team để các bạn cùng trau dồi ngoại ngữ và học công nghệ mới, mở lớp dạy ngoại ngữ trực tuyến do chính đối tác nước ngoài giảng dạy...

CEO PI Software Tống Phước Minh cho biết, tại Huế, hiện có rất ít DN CNTT có cùng lĩnh vực, cùng công nghệ, như DN này chuyên về web, DN kia tập trung cho đồ họa, Java, nền tảng thương mại điện tử... nên đúng là không thể đòi hỏi các khoa, trường đào tạo được tất cả các lĩnh vực, nội dung như trên. “Tuy nhiên, để hạn chế đào tạo lại, đào tạo bổ sung khi tuyển dụng nhân sự, DN mong muốn các khoa, trường cần đào tạo kỹ năng sát với nhu cầu thực tế, gần với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới”, anh Minh bày tỏ.

Mới đây (ngày 11/4), Hội Công nghiệp phần mềm tỉnh và Trường đại học Kinh tế Huế đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa 2 đơn vị. Theo đó, hai bên cùng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của thị trường và DN; phối hợp đào tạo sinh viên, đào tạo lại nguồn nhân lực cho DN thông qua các chương trình đào tạo, khóa đào tạo và hội thảo; hỗ trợ SV, giảng viên, DN trong quá trình thu thập tư liệu học tập, trao đổi kinh nghiệm; hỗ trợ học bổng cho SV, ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học; phối hợp tuyển dụng, giới thiệu và cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động...

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài
Tinh gọn bộ máy: Chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, chế độ chính sách để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua

Các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện được ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Tinh gọn bộ máy Chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, chế độ chính sách để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua

TIN MỚI

Return to top