Tác phẩm “Un regard sur la dernière Công Tôn Nu” của Minh Hoàng và Thùy Trang được trao giải nhì cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ”
Với tác phẩm “Un regard sur la dernière Công Tôn Nu”, Nguyễn Đức Minh Hoàng và Nguyễn Thị Thùy Trang (sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Huế) đã được ban tổ chức trao giải nhì chung cuộc.
Kể chuyện người may gối dựa
“Tụi em thật sự bất ngờ về kết quả của cuộc thi. Đây không chỉ là vinh dự của bản thân mà còn là niềm vui của gia đình, thầy cô, bạn bè - những người luôn hỗ trợ và cổ vũ cho cả hai khi tham gia cuộc thi. Tụi em cũng rất hài lòng về những kết quả đã đạt được, nhất là truyền tải được câu chuyện đến bạn đọc”, hai bạn trẻ Minh Hoàng, Thùy Trang chia sẻ khi hay tin nhận được giải cao từ ban tổ chức cuộc thi.
Minh Hoàng kể, trong một lần tình cờ được thầy cô trong Khoa tiếng Pháp – tiếng Nga, nơi mình đang theo học giới thiệu về cuộc thi. Không chần chừ nhiều, với chuyên ngành du lịch đang theo học và niềm đam mê tìm tòi văn hóa Huế, chàng trai này cùng người bạn Thùy Trang quyết định chọn đề tài phù hợp với cuộc thi để thể hiện.
Sau rất nhiều đắn đo, cả hai quyết định viết về câu chuyện của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ dù đã gần trăm tuổi nhưng vẫn minh mẫn, tài hoa khâu từng đường chỉ mũi kim thành chiếc gối dựa thêu rồng phượng hoàng cung danh tiếng một thuở. Để thực hiện được đề tài này, cả hai cho biết gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cái khó hơn đó là khi viết bằng ngôn ngữ tiếng Pháp, phải sử dụng từ vựng một cách cô đọng, súc tích nhưng vẫn đảm bảo nội dung chính xác, diễn đạt sao cho giàu cảm xúc. “Đề tài khai thác về nội dung văn hóa cung đình, hình ảnh chiếc gối trái dựa dưới triều Nguyễn nên việc nghiên cứu, tìm tòi các tư liệu tiếng Việt phải cẩn thận, kỹ càng và khi dịch sang tiếng Pháp cần bảo đảm về mặt ý nghĩa chuyển tải đồng thời không được làm mất đi giá trị của vật phẩm cung đình này”, Hoàng chia sẻ.
Hoàng dẫn chứng, việc tìm tên tiếng Pháp của chiếc gối trái dựa cũng gặp khó khăn ít nhiều, bởi trong tiếng Pháp không có chiếc gối nào có tên và ý nghĩa tương đương. Vì thế, cả hai phải tìm hiểu công dụng của chiếc gối này và biết được chức năng chính của nó là dùng để tựa tay nên tạm dịch là “le coussin d’accoudoir” (chiếc gối tựa tay). Ngoài ra, thông qua sự hỗ trợ từ việc cung cấp, cho sử dụng bản quyền hình ảnh của một số trang chuyên về ảnh đã giúp cho bài viết trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
Kể chuyện Huế để kích thích sự tò mò
Hai bạn trẻ cho biết, một phần do đang theo học chuyên ngành du lịch, phần khác có chung niềm đam mê đến văn hóa Huế và những giá trị cổ truyền của dân tộc nên muốn tìm hiểu thật sâu, kỹ. Huế trong mắt họ là hình ảnh cuộc sống trầm lặng khác xa những thành phố hiện đại, là cảm giác gần gũi, thân thương và chất chứa nhiều câu chuyện về kinh đô phong kiến của Việt Nam.
Không chỉ quan tâm, viết về câu chuyện của cụ Trí Huệ, Minh Hoàng và Thùy Trang bảo rằng ẩm thực là một nét đẹp văn hóa mà hai bạn rất tâm đắc. Thùy Trang cho hay, Huế nổi tiếng về ẩm thực cung đình với những món ăn rất tinh tế, bắt mắt về màu sắc và hài hòa trong hương vị. Không chỉ vậy, Huế còn là sự đan xen tài tình với ẩm thực dân dã mang phong vị đời thường của cuộc sống con người miền Trung sương gió.
Thông qua những câu chuyện về Huế, cả hai mong sẽ lan tỏa đến với mọi người những giá trị tích cực đời thường. Ngoài ra, hy vọng sẽ tạo được cảm hứng và kích thích sự tò mò cũng như mong muốn đến Huế của du khách quốc tế để tìm hiểu sâu hơn nét đẹp văn hóa ở vùng đất Cố đô.
Cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ” được tổ chức thường niên bởi Toà soạn Le Courrier du Vietnam được tài trợ bởi Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Thông tấn xã Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổ chức các trường đại học Pháp ngữ, các Đại sứ quán, các trường đại học và nhiều đối tác khác.
Với chủ đề “Phụ nữ Pháp ngữ, Phụ nữ kiên cường”, cuộc thi năm nay khuyến khích giới trẻ bày tỏ suy nghĩ về vai trò của phụ nữ ở Việt Nam và các nước trên thế giới, về bình đẳng giới. Cuộc thi nhận được 135 bài dự thi của 122 tác giả và nhóm tác giả đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam.
Bài, ảnh: NHẬT MINH