ClockThứ Hai, 08/05/2017 05:41

Du học, góc nhìn từ một phụ huynh

TTH - Gần 6 năm sinh sống ở Hoa Kỳ cũng như tiếp đón, giúp đỡ nhiều sinh viên Việt Nam trong đó có nhiều học sinh từ Huế sang học tập tại Trường đại học Texas Tech, tôi đã có những kinh nghiệm bỏ túi dành cho những bạn sinh viên đang chuẩn bị hành trang du học.

Sinh viên Việt Nam tại Trường ĐH Texas Tech cùng nhau vận chuyển sách gửi về tặng các trường ĐH ở Việt Nam

Sự khác biệt văn hoá

Dĩ nhiên không phải dễ dàng để xin được một tấm giấy thông hành qua Mỹ du học, do vậy theo nghiên cứu và kinh nghiệm của nhiều người thì có ba bí quyết cơ bản góp phần tạo nên thành công trong việc xin visa đi du học Mỹ của các bạn học sinh, bao gồm: Ý định du học nghiêm túc, nguồn lực tài chính đủ mạnh. Và khi đặt chân đến mảnh đất này, sự khác biệt của nền văn hoá của hai quốc gia sẽ mang đến nhiều sự khác biệt khác khiến cho sinh viên mới xa nhà gặp nhiều khó khăn trong việc chữa căn bệnh rất phổ biến: sốc văn hoá (Culture shock).

Khi giúp đỡ các bạn sinh viên từ Việt Nam mới sang, ngoài sự khác biệt về sở thích, thói quen ăn uống gây không ít khó khăn cho việc thích nghi, cách đào tạo sinh viên ở các trường đại học Hoa Kỳ cũng có sự khác biệt rõ. Đó là sinh viên phải thật sự học nghiêm túc, làm bài tập thường xuyên chứ không phải dồn hết vào điểm số của kỳ thi cuối kỳ. Không có nhiều sự đánh đố trong việc học hành, thi cử mà chỉ yêu cầu thái độ học tập của sinh viên đối với môn học để bằng mọi cách kiến thức của giảng viên truyền đạt đến được với sinh viên.

Dĩ nhiên, ở Mỹ cũng không thiếu các dạng trường đại học “ma”, không được kiểm định chất lượng nên không cần yêu cầu về khả năng ngoại ngữ, học lực yếu cũng được chấp nhận vào học miễn có tiền nộp. Dạng trường này thì không cần học cũng được cấp văn bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ …có tham gia và nộp học phí.

Tại Mỹ, hầu hết sinh viên đều thích đi học một trường xa nhà và sẽ sống trong ký túc xá (campus dorm) trong suốt năm đầu tiên để trường dễ quản lý, phụ huynh yên tâm cũng như các em không phải lo lắng chuyện nhà cửa, cơm ăn nước uống mà chỉ tập trung vào việc học. Quan trọng hơn là hạn chế bớt những cám dỗ bên ngoài bởi ở đây, mỗi trường đại học sẽ có chuỗi những quán bar - chỗ vui chơi của sinh viên sau giờ học hay xem thể thao cùng bạn bè. Bia và các quầy rượu tại đây rất bình dân thế nên cho dù có quy định công dân phải đủ 21 tuổi mới có thể ra vào những quán bar thì sinh viên cũng tìm cách để có một chiếc ID (chứng minh nhân dân) giả hay mượn của bạn hao hao giống mình để vào! Kỳ nghỉ mùa xuân (spring break) là những bữa tiệc lớn nhất trong năm học mà sinh viên thường đi đến những bãi biển, uống đồ cồn giá rẻ và có những quyết định tệ hại trong cuộc đời.

Cần sa (marijuana) cũng là chất kích thích làm giới sinh viên chuyền tay nhau không phải là hiếm, ngay cả việc sinh viên Mỹ đứng ở trong khuôn viên trường rủ rê các sinh viên quốc tế khác (trong đó có tôi) cùng dùng thử. Do vậy, ngoài việc đau đầu nhức óc với đống bài vở giáo sư giao thì việc tránh những cám dỗ lôi kéo của bạn bè, tìm những thú vui lành mạnh, duy trì việc tập thể thao hàng ngày cũng là điều mà  sinh viên Việt Nam phải tự rèn luyện cho mình.

Để phục vụ cho việc học tập nên các trường đại học Hoa Kỳ chỉ cho phép sinh viên đi làm không quá 20 tiếng mỗi tuần, đặc biệt đối với sinh viên nước ngoài thì chỉ được phép làm việc trong trường, không được làm bên ngoài. Tuy vậy vẫn có nhiều sinh viên Việt Nam mê đi làm hơn đi học. Thế nên đã có trường hợp các  sinh viên ở  Huế mà tôi biết, do mê làm thêm nên kết quả học tập giảm sút, đánh mất suất học bổng do trường cấp cho sinh viên quốc tế để nộp học phí. Thế là họ phải lao vào làm thêm để có tiền nộp học phí, nếu muốn tiếp tục con đường học tập. Và như cái vòng quẩn quẩn, sức ép học phí đôi khi khiến họ xa dần mục tiêu học hành.  

Lời khuyên của người đi trước

Gần 6 năm sinh sống ở Hoa Kỳ, từng tiếp đón, giúp đỡ nhiều sinh viên Việt Nam trong đó cũng có rất nhiều sinh  từ Huế sang học tập tại Trường đại học Texas Tech, điều đầu tiên tôi muốn khuyên là các bạn sắp du học, bằng mọi phương tiện,  phải kết nối với các anh chị, các gia đình đến trước. Sự giúp đỡ từ những người xa quê hương sẽ rất giá trị từ thông tin đi lại, thuê nhà cửa, làm quen thời tiết cho đến đồ dùng gia đình được chia sẻ lại, sách vở đã dùng… sẽ giúp các bạn thêm ấm lòng, đỡ nhớ nhà.

Một yếu tố quan trọng khác nữa là lựa chọn trường để học. Mặc dù có hàng trăm trường học mọi nơi nhưng dường như nhiều sinh viên tự hạn chế lựa chọn của mình do muốn chọn sống cùng người thân khi du học. Với lựa chọn này, học sinh có thể được gia đình chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên dù là người thân thì họ cũng có gia đình riêng, cuộc sống riêng nên mỗi bạn phải có sự tự lập rất cao. Cũng có rất nhiều ưu điểm với lựa chọn ngược lại là sống riêng từ khi mới sang. Ví dụ như, khi ở ký túc xá, bạn có thể tập trung tốt hơn vào việc học, đạt kết quả học tập cao và duy trì được học bổng hàng năm, cơ hội kết bạn với những người bản xứ sẽ tăng khả năng tiếng Anh, hoà nhập với đời sống xã hội Mỹ, trải nghiệm bản sắc văn hoá địa phương; học cách sống và tư duy độc lập; trưởng thành hơn…

Cuối cùng là việc đi làm thêm của mỗi bạn sinh viên. Nên chọn công việc làm thêm mang lại kiến thức, kinh nghiệm cho tương lai.  Đối với sinh viên mới đến, mỗi bạn phải chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai ngay từ đầu để từ đó tìm cách thâm nhập được vào thế giới công việc, nơi giúp sinh viên nói chung trưởng thành hơn.

Thông thường, với những công ty quốc tế lớn, việc quyết định tuyển dụng dựa trên cách người xin việc thể hiện tại cuộc phỏng vấn đóng vai trò rất quan trọng. Trong cuộc phỏng vấn đó, kiến thức của bạn học được ở trường bao nhiêu sẽ “lòi” ra ngay chứ không chỉ thể hiện qua các điểm số khô khan. Vì vậy, khả năng tiếng Anh cộng với kinh nghiệm thực tế, sự chín chắn sẽ giúp bạn rất nhiều trong những cuộc phỏng vấn xin việc làm sau này. Việc vừa học vừa làm sẽ giúp sinh viên quốc tế giảm nhẹ áp lực chi phí du học Mỹ, đồng thời đây cũng là cơ hội quí báu để các bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong môi trường làm việc chuyện nghiệp ở nước ngoài. Việc còn lại là lựa chọn của chính bạn mà thôi!

Và qua bài viết này cũng hy vọng giúp cho phụ huynh chuẩn bị kỹ hơn hành trang cho các bạn trẻ trước khi đến một chân trời mới với nhiều hoài bão, ước mơ…

Hà Linh (Lubbock – Texas)

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chọn học nghề ở trời Tây

Thay vì du học hay xuất khẩu lao động, nhiều người trẻ vẫn muốn chọn du học nghề. Với tấm bằng nghề quốc tế, họ dễ dàng gia nhập vào thị trường lao động với mức lương cao.

Chọn học nghề ở trời Tây
Lan tỏa giấc mơ du học

Tôi được mời và đặc biệt ấn tượng về buổi talkshow hướng nghiệp dành cho các bạn học sinh lớp 12 với chủ đề: “Life abroad and Future proof your career” (Cuộc sống ở nước ngoài và tương lai nghề nghiệp cho bạn).

Lan tỏa giấc mơ du học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top