ClockThứ Năm, 22/06/2017 12:51

Đưa người thợ đến gần doanh nghiệp

TTH - Những giờ học không còn đơn điệu, nặng lý thuyết khi đào tạo nghề hướng đến vị trí mà người thợ sẽ làm trong nhà máy. Thế nên, nhiều bài giảng tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2017 là những trình diễn, biểu diễn kỹ năng nghề điêu luyện, hấp dẫn của giáo viên dạy nghề.

Một tiết giảng về ẩm thực của Trường cao đẳng nghề Du lịch Huế    

Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2017 thu hút 61 giảng viên tham gia ở 21 nghề, trong đó có 57% bài giảng tích hợp, được đánh giá thành công nhất từ trước đến nay về quy mô lẫn chất lượng. Giáo viên tiếp cận với công nghệ mới, kết hợp các phương pháp dạy truyền thống làm bài giảng sinh động, giúp người học dễ tiếp thu. Trong 60 phút, giảng viên ngành thiết kế thời trang Phan Thị Hoài ở Trường cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế hoàn thành xuất sắc phần lý thuyết và thực hành với sản phẩm là “cổ áo sơ mi chân rời có dựng”. Sau khi thuyết trình kỹ phần lý thuyết, cô Hoài thao tác mẫu và cho học sinh luyện tập để hoàn thành sản phẩm. Những lỗi kỹ thuật trong quá trình thực hiện được cô góp ý, chỉnh sửa ngay để học viên có thể may được một cổ áo đẹp nhất. “Trước đây, cách dạy truyền thống tách biệt hai phần lý thuyết và thực hành, thì nay kết hợp cả hai trong một thời gian nhất định. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có nhiều kỹ năng hơn, không chỉ nắm vững lý thuyết mà phải thạo thực hành”. Cô Hoài cho biết.

Chất lượng các bài giảng năm nay có sự vượt trội khi có sự đầu tư, sáng tạo, đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại. Nhiều bài giảng tạo được ấn tượng mạnh, có sức lôi cuốn, hấp dẫn về mặt chuyên môn và bảo đảm chất lượng. Thầy Dương Như Sơn, Giáo viên Trường cao đẳng nghề số 23 - Bộ Quốc phòng đạt giải nhất với bài giảng “Kiểm tra chất lượng máy nén” chia sẻ: “Khi xây dựng bài dạy theo quan điểm tích hợp, tôi không chỉ chú trọng đến nội dung mà còn phải xây dựng một hệ thống hoạt động, thao tác tương ứng nhằm tổ chức, dẫn dắt người học từng bước thực hiện. Bài dạy đòi hỏi sự tích hợp các kiến thức, kỹ năng chuyên môn để giải quyết tình huống nghề nghiệp”.

Hầu hết giáo viên dự thi đều sử dụng phương pháp tổ chức cho học viên làm việc theo nhóm, xây dựng ý thức phối hợp trong công việc, giúp những người thợ tương lai làm quen với vị trí làm việc trong các dây chuyền sản xuất. Thầy Lê Văn Vinh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Phong Điền với bài giảng “Nối dây cứng mạch thẳng và mạch rẽ” đạt giải nhất hội giảng cho biết: “Hiện nay, một số vụ hỏa hoạn xảy ra do chạm - chập điện ngày càng nhiều. Nguyên nhân do các mối nối chưa đảm bảo an toàn. Xuất phát từ nhu cầu của người lao động, tôi vận dụng bài giảng vào giảng dạy nhằm giúp người học nghề điện dân dụng nắm được kiến thức về sử dụng công cụ lao động, kỹ năng thực hiện nối dây dẫn điện sao cho đảm bảo an toàn điện, đảm bảo kỹ thuật khi thực hiện nối dây dẫn điện”.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Trưởng ban tổ chức hội thi: “Vẫn còn một số tiết giảng chưa đạt yêu cầu; kỹ năng giao tiếp với học viên chưa tốt, chưa có câu hỏi mang tính gợi mở để học viên độc lập tư duy, đặt câu hỏi ngược lại giáo viên; phân phối thời gian giữa các phần chưa hợp lý… Một số giáo viên yếu về trình độ nghiệp vụ sư phạm, chưa biết cách truyền đạt những kiến thức cơ bản trước khi thực hiện thao tác mẫu cho người học. Một vài giờ giảng còn đơn điệu khi chưa phát huy tác dụng của đồ dùng dạy học; chưa phân biệt và vận dụng bài nào nên giảng bài tích hợp và bài nào nên giảng thực hành để đem lại hiệu quả cao hơn. Năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của một số giáo viên còn yếu (nhất là ở khối các trung tâm giáo dục nghề nghiêp). Trong quá trình giảng dạy, có giáo viên chủ yếu chỉ truyền đạt kinh nghiệm cho học viên nên bài giảng cứ chung chung, chưa bám sát giáo trình, ít mở rộng, ít liên hệ thực tế cũng như rèn luyện kỹ năng để học viên có thể vận dụng trong thực tiễn”.

Trước nhu cầu của thị trường lao động đòi hỏi nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong thời kỳ hội nhập, Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là cơ hội để các nhà giáo thể hiện bản lĩnh, năng lực cũng như trao đổi kinh nghiệm để từ đó có kế hoạch nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hội giảng cũng là dịp đánh giá năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ nhà giáo trong lĩnh vực dạy nghề; phát hiện và nhân rộng các mô hình, phương pháp giảng dạy, thiết bị, đồ dùng dạy học và kỹ năng khai thác các thiết bị đào tạo có hiệu quả.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top