|
Không gian của một phòng học thêm (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Trung |
Trong dự thảo có một quy định rất đáng chú ý, được đông đảo học sinh, phụ huynh và dư luận quan tâm là giáo viên được dạy thêm học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường. Chỉ với điều kiện, giáo viên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
Chuyện giáo viên phải lập danh sách, báo cáo với cấp trên, cam kết không ép buộc này kia thật ra chỉ là hình thức, bởi thực tế diễn biến lại muôn hình vạn trạng, nên thôi tạm thời chưa bàn chuyện đúng sai. Điều đáng bàn trong trường hợp này chính là quy định cho phép “giáo viên được dạy thêm học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường”.
Nếu điều này thành hiện thực thì sẽ dẫn đến các tình huống sau đây: Theo chương trình giáo dục mới 2018, giáo viên phải là người ra đề kiểm tra học sinh của mình chứ không còn là đề chung của hội đồng như trước đây. Nên nếu cho phép giáo viên được dạy thêm học sinh của lớp mình đang dạy, không ai có thể đảm bảo rằng giáo viên đó không “làm lợi” cho học sinh có học thêm với mình bằng cách cho ôn tập những dạng đề gần với đề thi.
Hiện các phương án tuyển sinh vào lớp 10, hầu hết các địa phương đều có cộng điểm học tập của học sinh trong 4 năm THCS. Nên việc để giáo viên vừa dạy thêm vừa ra đề thi, sẽ làm mầm mống cho những vấn đề tiêu cực liên quan đến những “bảng điểm đẹp”. Điều này có thể vô tình tạo ra những xung đột lợi ích và ảnh hưởng đến sự công bằng trong giáo dục.
Đây cũng chính là lý do mà lâu nay ngành giáo dục quy định giáo viên không được phép dạy thêm học sinh của lớp mình đang dạy. Vậy nay hà cớ gì, điều này lại được phép như đề xuất trong dự thảo quy định dạy thêm?
Thực tế bao nhiêu năm nay cho thấy, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của cả học sinh và giáo viên và cần thiết, nên không thể cấm đoán hoặc nửa cấm nửa không như lâu nay, mà phải quản lý bằng công cụ. Việc hợp thức hóa việc dạy thêm của giáo viên và cả hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn bằng các nguyên tắc, quy định, điều kiện công khai, rõ ràng như trong dự thảo của Bộ GD&ĐT là cần thiết và là một bước tiến trong quản lý.
Tuy nhiên, việc đề xuất cho phép “giáo viên được dạy thêm học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường” lại là một bước lùi, cần phải được bãi bỏ khỏi dự thảo!