Thông điệp
Mở đầu phần thảo luận, ngoài mong muốn tổ chức thêm nhiều trại hè hơn, trong đó lồng ghép những trò chơi vận động, lành mạnh để trẻ em có nhiều cơ hội tham gia, giúp phát triển hoàn thiện hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, đại diện học sinh đến từ trường THCS Thuỷ Lương cho rằng, tuy cuộc sống ngày càng nâng cao, nhưng thực tế không ít trẻ em nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn thị xã vẫn chưa được thụ hưởng đầy đủ về vui chơi, giải trí lành mạnh khi đất giành cho các khu vui chơi vẫn thiếu.
Ngoài những câu hỏi, tâm tư, thông điệp của các em được lồng ghép thông qua những tiết mục văn nghệ
Giải đáp tâm tư này, bà Võ Thị Minh Thảo - Trưởng phòng Lao động, Thương binh & Xã hội thị xã cho biết, ngoài ở xã Dương Hoà đã xây dựng xong khu vui chơi cho trẻ em được đánh giá lớn nhất tỉnh, các phường, xã còn lại đã và đang quy hoạch khu vui chơi cho trẻ em. Sau diễn đàn lần này, Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội thị xã tiếp tục tham mưu với các cấp, với chính quyền để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu vui chơi.
Thông qua hoạt cảnh với chủ đề: "Nói không với tai nạn thương tích, đuối nước", đại diện học sinh đến từ trường THCS Phú Bài đặt câu hỏi về định hướng của thị xã trong việc đưa chương trình phổ cập bơi vào trường học, bởi thực tế hiện vẫn còn rất nhiều học sinh chưa biết bơi cũng như không ít lần trên địa bàn xảy ra tai nạn đuối nước, nhất là trong mùa mưa bão.
"Do không thể tổ chức dạy bơi đồng loạt cho học sinh 2 cấp tiểu học và THCS nên Phòng Giáo dục & đào tạo TX. Hương Thuỷ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành dạy tại bể bơi thị xã cho các em theo kiểu cuốn chiếu và dạy miễn phí với học sinh khó khăn của 8 trường tiểu học và THCS".
Đối với các trường ở xa trung tâm, khó tiếp cận các bể bơi thì tiến hành dạy bơi trên sông sau khi đã giới hạn và khảo sát mức độ an toàn. Sau 2 năm, đã triển khai thí điểm thành công mô hình này cho học sinh 8 trường của các phường: Phú Bài, Thuỷ Châu và xã Thuỷ Phù. Phòng vẫn tiếp tục triển khai hoạt động này với mục tiêu học sinh toàn thị xã biết bơi, góp phần hạn chế tai nạn đuối nước trong thời gian tới, bà Ngô Thị Ái Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo nói.
Hoạt cảnh với thông điệp "Nói không với tai nạn thương tích, đuối nước"
Sau câu hỏi của học sinh trường THCS Phú Bài, diễn đàn tiếp tục bằng vấn đề "Ảnh hưởng của thế giới công nghệ số đối với trẻ em" và mong muốn nhận được những lời khuyên từ người lớn của học sinh trường THCS Thuỷ Châu.
Về câu hỏi này, ông Nguyễn Phương Toàn - Trưởng phòng Văn hoá & Thông tin chia sẻ: "Không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ số đem lại. Tuy nhiên, người sử dụng phải biết chiến thắng bản thân trước sức quyến rũ của công nghệ số, tránh sa đà vào các thiết bị điện tử thông minh". Sử dụng có thời điểm, nhất thiết không truy cập vào những trang web độc hại và cần giành nhiều thời gian cho vận động, thư giãn sau giờ học, ông Toàn khuyên.
Sau câu hỏi về tình trạng bạo lực học đường, bà Ngô Thị Ái Hương cho biết: "Ngoài tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, mỗi lóp học nên có những nhóm bạn cùng tiến; có sự kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh đối với học sinh cá biệt để uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, của trường, tránh xa những cám dỗ khi tiếp cận và sử dụng internet, mạng xã hội không đúng mục đích. Đồng thời, cần có cái nhìn bao dung với sai phạm của học sinh để vừa có hướng xử lý nghiêm khắc nhưng cũng tạo cơ hội để các em sửa đổi"...
Chung tay
Sử dụng thiết bị điện tử thông minh trong thời đại công nghệ số cũng cần hết sức chú ý
Lứa tuổi học sinh nhạy cảm về tâm lý. Nếu thiếu quan tâm, không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng để có hướng giải quyết thích hợp thì con em rất dễ sa ngã, trở thành "một con người khác".
"Con của bạn tôi từ một học sinh giỏi bỗng chốc trở thành tự kỷ, có nhiều hành động tiêu cực đối với người xung quanh sau khi sa đà vào game do thiếu quan tâm từ cha mẹ, đến mức phải đưa vào TP. Hồ Chí Minh để "cai". Bây giờ cháu đã bình thường trở lại, nhưng đó là một bài học cần lưu ý", ông Lê Văn Chính - TUV - Bí thư Thị uỷ Hương Thuỷ chia sẻ tại diễn đàn.
Từ ví dụ của mình, ông Lê Văn Chính cho rằng, phải đặt bản thân vào vị trí của trẻ em để có thể lắng nghe và thấu hiểu những ước muốn của các em. Đồng thời, để diễn đàn "Lắng nghe trẻ em nói" luôn phát huy hiệu quả trong việc tư vấn, chia sẻ, giải đáp những tâm tư, nguyện vọng của các em, cần có sự chung vai giữa gia đình và nhà trường, các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; thắt chặt hơn việc kiểm soát thông tin, nội dung đăng tải trên internet, mạng xã hội...
Ông Lê Văn Chính trao quà động viên các học sinh tham gia diễn đàn
Diễn ra trong một buổi và gói gọn trên địa bàn thị xã Hương Thuỷ, nhưng diễn đàn đã có nhiều thông tin, nhiều góc nhìn mới, giúp người lớn hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của trẻ em toàn xã hội nói chung, nói riêng. Tin rằng, những vấn đề các em quan tâm, khuyến nghị cùng những thông điệp gửi gắm thông qua diễn đàn chính là kênh thông tin quan trọng, để từ đó TX. Hương Thuỷ hoàn thiện hơn nữa những công trình, chính sách dành cho trẻ em trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hàn Đăng