ClockThứ Ba, 28/04/2020 14:28

Sinh viên đi làm thêm, cẩn thận để khỏi nhận “quả đắng”

TTH - Đối với sinh viên, kiếm việc làm thêm vừa là cách để có thêm thu nhập, đỡ gánh nặng cho gia đình trong chuyện ăn học, vừa là cơ hội để rèn kỹ năng sống, cho nên được nhiều bạn chọn lựa.

Nhọc nhằn sinh viên làm thêmCho con làm thêm dịp hè

Một công việc làm thêm là nhu cầu của nhiều bạn trẻ từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường

Điều chắc chắn là trong tâm lý của mỗi bạn, ai cũng muốn tìm cho mình một công việc có thu nhập cao mà không bị áp lực quá nhiều. Mong muốn là một chuyện, còn thực tế thì lại không đơn giản. Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây có thể là một ví dụ hữu ích để các bạn tham khảo.

Học cùng lớp tôi có một bạn đã từng làm việc cho một công ty tài chính của Hàn Quốc. Anh tỏ ra rất hào hứng và thỏa mãn vì đã tìm được cho mình một công việc khá nhẹ nhàng nhưng thu nhập được hứa là rất ổn, thậm chí anh có thể nhận được số tiền mỗi tháng cao hơn thỏa thuận nếu có nhiều mối quan hệ để kết nối khách hàng cho công ty. Anh kể, tháng đầu tiên nếu đi làm đủ số buổi (5 buổi/tuần, 20 buổi/tháng) thì công ty sẽ trả cho anh số tiền 3,2 triệu đồng, một con số khá lớn đối với sinh viên. Đấy là còn chưa kể số tiền hoa hồng cộng thêm khi anh tư vấn để khách hàng ký được hợp đồng vay vốn. Với những lời hứa hẹn như thế, bạn tôi lao vào công việc không một chút đắn đo, thậm chí còn xem đây như một vận may hiếm gặp.

Nhưng quá trình làm việc, càng ngày anh càng nhận ra sự bất bình thường của doanh nghiệp. Anh cho biết, lãi suất khi vay ở công ty này dao động từ 1,5% tới 3,2% mỗi tháng, tức là từ 18% tới 38% mỗi năm! Vậy nhưng khi tiếp thị “gạ gẫm” khách hàng, thì anh cũng như mọi nhân viên sale đều được lệnh phải “ngon ngọt” với khách lãi suất của công ty chỉ từ 0,8% -1,8% mỗi tháng (!) Chưa hết, điều tiếp theo làm anh cảm thấy khá hoang mang là công ty cho biết chỉ trả lương của tháng này vào ngày 15 của tháng sau, điều này có nghĩa là, nếu như xảy ra sự cố nào đó, nguy cơ làm không công của anh cũng như nhiều người nữa là rất cao. Tuy nhiên, như đã nói từ đầu, đối với anh, đây là công việc quá tốt nên dù đã nhận ra một số điều bất thường như vậy anh vẫn không đủ can đảm để từ chối.

Một tháng làm việc đã qua đi suôn sẻ, tiếp theo là 2 tuần dằng dặc trong nỗi hồi hộp chờ lương và khoản hoa hồng của những hợp đồng mà anh đã khai thác được. May sao, sau cùng thì tiền lương cũng về trong tài khoản. Chỉ có điều, thay vì 3,2 triệu như đã được hứa hẹn, anh chỉ nhận được 2,2 triệu đồng, riêng phần hoa hồng đối với những hợp đồng do anh khai thác thì hoàn toàn không thấy tăm hơi.

Bên cạnh các học bổng, làm thêm là một cách để HS, SV rèn kỹ năng sống và kiếm thêm thu nhập đỡ đần bớt gánh nặng cho gia đình (Ảnh: Nhận học bổng Lê Văn Phúc tại Huế)

Không cam lòng, anh thắc mắc với sếp công ty tại sao lại như thế? Sếp anh tỉnh rụi: Làm việc đủ, nhưng do không bấm dấu vân tay 6 ngày cuối cùng nên bị trừ lương. Đến đây thì bạn tôi chưng hửng. Do có việc phải về quê dịp cuối tháng, bạn tôi đã trình bày và được công ty cho làm bù vào những ngày trước đó cho đủ số thời gian làm việc của tháng. Anh đâu ngờ bây giờ họ "bắt chẹt" là những ngày cuối tháng - dù lúc đó anh đã về quê - cũng phải có dấu vân tay, rồi lấy lý do đó để trừ lương và hoa hồng của anh. Một, hai triệu với anh, một sinh viên đi học xa nhà, đó là cả một “gia sản”. Nhưng với họ, một doanh nghiệp lớn, thì đó chỉ là hạt bụi nhỏ, vậy mà họ vẫn o ép sinh viên.

Quá thất vọng với cách làm việc của công ty, anh đã quyết định dứt áo ra đi để tìm cho mình một công việc khác. Bài học của anh đã nhắc tôi, và cũng có lẽ cả các bạn sinh viên khác nữa, rằng dù có làm thêm, hay sau này ra đời kiếm một công việc chính thức đi nữa, chúng ta cũng cần phải đặc biệt cẩn thận lưu ý với những lời mời gọi đường mật. Có ngọt ngào đến đâu thì chúng ta cũng đừng quên yêu cầu phải có hợp đồng lao động và phải đọc kỹ các điều khoản trong đó. Điều gì còn nghi ngờ hoặc chưa hiểu thì phải hỏi kỹ trước khi đặt bút ký. Còn nếu người chủ tỏ thái độ hoặc gây khó dễ? Không sao, tôi tin là chúng ta vẫn có nhiều cơ hội phía trước. Cẩn thận từ đầu mà tránh được cái kết đắng như anh bạn tôi đã nhận, đó là việc không thừa.

Bài, ảnh: Thanh Xuân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường
Hỗ trợ vé xe và máy bay cho sinh viên, người lao động về quê đón Tết

Ngày 30/11, theo thông tin từ Tỉnh đoàn, người dân Thừa Thiên Huế đang học tập và lao động tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương có thể đăng ký tham gia Chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2025 để nhận được vé xe và máy bay miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hỗ trợ vé xe và máy bay cho sinh viên, người lao động về quê đón Tết
Return to top