ClockThứ Sáu, 01/03/2019 05:15

Tăng giải pháp quản lý sinh viên ngoại trú

TTH - Dù có những quy định, song việc quản lý sinh viên ở ngoại trú khá khó khăn và là trăn trở mà Đại học (ĐH) Huế cùng các trường muốn tháo gỡ sớm trong năm 2019.

Trao 20 suất học bổng VESAF, NFP cho sinh viên Đại học HuếHơn 400 học sinh, giáo viên tham gia ngày hộ ứng phó thiên taiTrao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 60 sinh viên y dược

ĐH Huế tăng cường thông tin cho sinh viên các vấn đề liên quan đến phòng tránh các tệ nạn xã hội

Khó quản lý nảy sinh nhiều vấn đề

Số liệu tổng hợp tình hình sinh viên vi phạm pháp luật do Ban Công tác học sinh viên ĐH Huế cung cấp (tiếp nhận từ Công an TP. Huế) cho biết, năm 2018 có 10 sinh viên ở các trường thành viên, khoa trực thuộc vi phạm. Con số này trong năm 2017 là 18 trường hợp, năm 2016 là 12 trường hợp và năm 2015 là 9 trường hợp; trong đó, nhiều nhất là vi phạm Luật Giao thông đường bộ; một số sinh viên có hành vi trộm cắp… Đáng nói là, nhiều trường hợp vi phạm là các sinh viên ngoại trú.

Vấn đề quản lý sinh viên ngoại trú không phải mới được đặt ra mà những quy định liên quan đã có từ rất lâu. TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế trăn trở, hiện nay ĐH Huế có khoảng 40.000 sinh viên ĐH chính quy, 3/4 sinh viên trong số đó đang ở ngoại trú. Lâu nay, cách quản lý dựa vào sổ quản lý sinh viên theo định kỳ, có xác nhận của công an khu vực. Các trường nắm tình hình và quản lý qua kênh công tác sinh viên. Song, trên thực tế việc quản lý sinh viên còn hạn chế và khó khăn. Nguyên nhân chính do sinh viên thường xuyên thay đổi chỗ ở, nhiều trường hợp chưa kịp đăng ký tạm trú tạm vắng, trong khi các trường hạn chế trong công tác quản lý, chậm trễ trong việc lấy số liệu, việc quản lý dữ liệu sinh viên ngoại trú chưa thường xuyên và chính xác.

Ngoài việc quản lý qua sổ, ĐH Huế cũng phối hợp Công an TP. Huế quản lý sinh viên ngoại trú, có quy chế phối hợp, đồng thời có các kênh quản lý từ ĐH Huế xuống các trường, khoa trực thuộc và đến các lớp nhưng hiệu quả quản lý sinh viên vẫn chưa được như mong muốn, trong đó ý thức sinh viên là một trong những nguyên nhân. Việc kiểm tra trực tiếp sinh viên ở ngoại trú là không dễ do số lượng sinh viên đông và ở nhiều nơi.

Theo TS. Hoàng Kim Toản, Trưởng Ban Công tác học sinh, sinh viên ĐH Huế, báo cáo hằng năm của cơ quan chức năng luôn có tình trạng một số sinh viên vi phạm pháp luật, thi thoảng có các vụ việc phản ánh sinh viên vi phạm an ninh trật tự, ảnh hưởng các hộ dân sống xung quanh. Khi có vấn đề gì xảy ra với sinh viên rất khó để nắm bắt và xử lý kịp thời. Ngược lại, những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của sinh viên, ĐH Huế và các trường cũng khó hỗ trợ, giúp đỡ, nhất là những trường hợp liên quan đến chèn ép giá điện nước, phòng trọ, mất trộm...

Cán bộ Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế trao đổi với sinh viên

Tăng cường quản lý

Hiện, chỗ ở nội trú cho sinh viên ĐH Huế tại các ký túc xá chỉ đáp ứng khoảng 2.500 em. Trên thực tế, nhu cầu ở nội trú của sinh viên chưa cao, do họ muốn tự do về giờ giấc, không gian ở và nhiều nguyên nhân khác. Vì lẽ đó, rất khó đầu tư, phát triển thêm chỗ ở nội trú, tránh lãng phí nguồn lực. Điều này đồng nghĩa phải quản lý tốt hơn sinh viên ngoại trú, nhất là triển khai các giải pháp mới.

TS. Trương Quý Tùng khẳng định, trong năm 2019, ĐH Huế quyết liệt hơn trong quản lý sinh viên ngoại trú. ĐH Huế đã xây dựng cơ sở dữ liệu và định kỳ 3 tháng cập nhật vào báo cáo. Bên cạnh đó, sẽ ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật dữ liệu trong quản lý dữ liệu sinh viên ngoại trú.

Năm 2018, ĐH Huế ban hành quy định, công văn gửi các trường về công tác quản lý sinh viên ngoại trú. Thời gian tới, ĐH Huế phối hợp các trường tăng cường công tác kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất.

Hiện, ĐH Huế đã phân cấp vai trò với các trường trong vấn đề quản lý sinh viên ở ngoại trú. ĐH Huế sẽ đôn đốc các trường thực hiện. Sắp tới, trong các tuần sinh hoạt công dân, đón tiếp tân sinh viên, sẽ chú trọng thông tin đến người học về các quy định, quyền và nghĩa vụ của sinh viên ngoại trú.

TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế cho biết, hiện trường đang quản lý sinh viên theo dạng hồ sơ tập hợp thành sổ và chi tiết thông tin sinh viên. Thông qua các đợt giao ban với giảng viên cố vấn hoặc sinh hoạt các khóa lớp, thường xuyên cập nhật những thay đổi thông tin sinh viên để dễ quản lý.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

Trong 2 ngày 23 và 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình
Thông tin doanh nghiệp:
2S HOUSE – Giải pháp toàn diện cho dịch vụ xây nhà trọn gói tại Huế

Tại Huế, 2S HOUSE là cái tên sáng giá trong lĩnh vực xây nhà trọn gói, được đông đảo khách hàng tin tưởng nhờ sự tận tâm, chuyên nghiệp và đa dạng dịch vụ. Không chỉ kiến tạo nên những ngôi nhà bền đẹp, 2S HOUSE còn mang lại giá trị sống đích thực, góp phần nâng tầm không gian sống của gia đình Việt. Hãy cùng khám phá những yếu tố giúp 2S HOUSE trở thành thương hiệu được yêu thích tại vùng đất Cố đô.

2S HOUSE – Giải pháp toàn diện cho dịch vụ xây nhà trọn gói tại Huế
Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Return to top