ClockThứ Năm, 24/01/2019 06:30

Hiểm nguy khi học sinh đi xe máy phân khối lớn

TTH - Bất chấp quy định cấm học sinh đi xe máy đến trường bằng phân khối lớn (trên 50 cc), tại một số trường trung học phổ thông (THPT), vẫn diễn ra tình trạng học sinh điều khiển xe máy đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định…

Đừng “tiếp tay”Đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hậu quả sẽ rất nặng nề khi xảy ra tai nạnNỗi lo an toàn giao thông đầu năm học

Học sinh từ 16 tuổi đến 18 tuổi được phép đi xe máy dưới 50cc (ảnh chụp chiều 14/1 tại Trường THPT Cao Thắng). Ảnh: Võ Nhân

Thương con như thế bằng mười hại con!

Theo quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy có dung tích xilanh dưới 50 cc; người đủ 18 tuổi trở lên được lái mô tô hai bánh, mô tô ba bánh có dung tích xilanh từ 50 cc trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự…Tuy nhiên, việc học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe là vấn đề cần được quan tâm, bởi thực tế không ít vụ TNGT xảy ra, trong đó người gây tai nạn và nạn nhân thuộc nhóm đối tượng này.

Theo các chuyên gia, ở lứa tuổi còn cắp sách tới trường, tay lái của các em thường yếu, kỹ năng xử lý các tình huống cũng như hiểu biết còn hạn chế, lại thích đùa giỡn, trêu trọc bạn bè. Điều tra của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 - 35. Trong đó, khoảng 80% là học sinh, sinh viên khi đi xe máy không có giấy phép lái xe; 95% điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều học sinh THPT không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường.

Có mặt tại một số trường THPT trong thành phố vào giờ tan trường, chúng tôi chứng kiến nhiều học sinh ngồi sau xe máy bạn chở nhưng không đội mũ bảo hiểm. Các em đi hàng ba, đùa cợt nhau khi tham gia giao thông. Thực ra, chính các em vẫn nơm nớp nỗi lo khi điều khiển xe máy. Có em thổ lộ, sợ mặc đồng phục học sinh, cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ nên ra đường phải mặc áo khoác, trùm kín mặt, cất cặp vào cốp xe. Còn khi đến trường lại sợ nhà trường phát hiện nên lúc nào cũng nhìn trước, ngó sau mới dám gửi xe.

Đừng để "mất bò, mới lo làm chuồng"

Để giải quyết tình trạng học sinh đi xe máy, ở một số trường THPT, giáo viên thường đi kiểm tra bất chợt xung quanh những điểm trông xe cạnh trường. Nếu phát hiện có học sinh đi xe trên 50 phân khối, giáo viên sẽ gọi điện báo với phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại đến năn nỉ, xin giáo viên đừng hạ hạnh kiểm con em mình. Sau đó, họ vẫn giao chìa khóa xe máy cho con để đến trường”, giám thị ở một trường THPT trong TP. Huế cho biết. Không ít phụ huynh biện minh, sợ con đi lại mệt nên mua xe máy cũ hoặc thỉnh thoảng cho con mượn xe đi học. Không ngoại trừ nhiều “cậu ấm, cô chiêu” muốn sử dụng xe máy để đua đòi.

Thực tế, các trường không tài nào quản lý hết tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn, bởi nhà trường không thể kiểm tra thường xuyên và chưa có biện pháp xử lý mạnh tay. Hơn nữa, trách nhiệm các trường chỉ là tuyên truyền, giáo dục chứ không có quyền xử phạt. Chỉ có những học sinh vi phạm bị công an giao thông gửi thông báo về trường thì lúc đó nhà trường mới có thể đưa ra hình thức xử lý.

Theo quy định, nhà trường không cho học sinh gửi xe mô tô vào trường. Tuy nhiên, nhiều em "lách" bằng cách  gửi xe máy ở các bãi giữ xe xung quanh trường rồi đi bộ vào lớp. Hiện, vẫn chưa có luật nào cấm các hộ gia đình giữ xe máy trên 50cc cho học sinh nên tạo nguy hiểm gián tiếp cho các em khi tham gia giao thông.

Tình trạng mất an toàn giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn đáng tiếc là điều không tránh khỏi. Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lạnh từ 50cm3 trở lên sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe máy đang bị kém hiệu quả khi phụ huynh đồng thuận với con em.

Nỗi lo về an toàn giao thông cho học sinh được nhiều trường liên tục phản ảnh tại các cuộc họp gần đây. Một số hiệu trưởng các trường kiến nghị: Để xử lý tình trạng học sinh vi phạm nhà trường tiếp tục tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, vận động học sinh không sử dụng xe máy phân khối lớn đi học. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần tăng cường xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông. Chính quyền địa phương cũng cần tổ chức kiểm tra, xử lý đối với các bãi xe tư nhân trước cổng trường.

Học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết vẫn là sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình và ý thức của các em. Điều mà phụ huynh lo lắng nhất khi cho con đi xe máy là sợ các em không xử lý được những tình huống bất ngờ, dễ gặp hiểm nguy… vậy hà cớ gì lại "mua dây buộc mình”. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” khi chưa quá muộn.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top