ClockChủ Nhật, 03/12/2023 12:39

“Học cách lắng nghe bản thân để điều tiết hành vi của mình”

TTH - Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần. Đây là một kỹ năng còn khá xa lạ đối với nhiều học sinh và các bậc cha mẹ.

Ngăn chặn bạo lực học đường: Cần cái "bắt tay" chặt giữa gia đình và nhà trường

 TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế

Thưa ông, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe đến những vụ việc đáng lên án, như nữ sinh đánh hội đồng bạn, nam sinh đánh nhau dẫn đến thương tích nặng nề. Ngay cả ở tiểu học cũng có những trận học sinh đánh nhau ra trò chỉ vì mâu thuẫn nhỏ. Ông nghĩ sao về điều này?

Việc học sinh có những hành vi bạo lực có nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn có liên quan trực tiếp đến việc các em chưa biết cách quản lý cảm xúc của bản thân mỗi khi có mâu thuẫn. Hay nói cách khác, kỹ năng này chưa được trang bị một cách bài bản, có hệ thống theo đúng quy trình. Thực tế cho thấy, các em học sinh chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía gia đình cũng như các nhà trường trong việc trang bị cho học sinh kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng quản lý cảm xúc.

Có thể hiểu kỹ năng quản lý cảm xúc một cách ngắn gọn là gì? Việc dạy kỹ năng quản lý cảm xúc cho học sinh có quan trọng như thế nào, thưa ông?

Kỹ năng quản lý cảm xúc là khả năng nhận thức rõ ràng về cảm xúc của bản thân trong các tình huống nhất định, và hiểu sức ảnh hưởng của cảm xúc đối với người khác và chính mình. Việc dạy kỹ năng này có tầm quan trọng đối với các em học sinh. Bởi nếu được học kỹ năng này thì các em sẽ phân biệt được khi tức giận, khi vui sướng, khi đau khổ… thì bản thân có những biểu hiện như thế nào? Nghĩa là các em nhận biết được các cảm xúc đang diễn biến trong thân thể của mình.

 TS. Nguyễn Thanh Hùng tập huấn về kỹ năng sống cho các học sinh Trường Dân tộc nội trú

Được học kỹ năng này, các em sẽ biết điều tiết các cảm xúc của bản thân, đặc biệt là các cảm xúc tiêu cực. Các em sẽ biết bày tỏ cảm xúc, biết chấp nhận các cảm xúc, biết bao bọc lấy các cảm xúc. Bên cạnh đó, học kỹ năng quản lý cảm xúc sẽ giúp học sinh có cách nhìn tích cực hơn, nhìn nhiều góc độ khác nhau trong các tình huống để đưa ra các phán đoán và biểu thị hành vi phù hợp.

Ví dụ, khi tức giận thì học sinh biết cách hít thở sâu, từ từ thở ra, nghĩa là điều tiết hơi thở, sau đó các em biết cách theo dõi những trạng thái cảm xúc nào đang diễn ra, nắm bắt các biểu hiện trên cơ thể đang diễn biến như thế nào, từ đó giúp các em định hình lại suy nghĩ và hành động.

Ông có thể cho biết, dạy kỹ năng quản lý cảm xúc cụ thể là dạy cái gì? Việc dạy kỹ năng quản lý cảm xúc cho học sinh lứa tuổi tiểu học và học sinh cấp 2, 3 - độ tuổi mà tâm, sinh lý đang có sự thay đổi rõ rệt - sẽ khác nhau như thế nào?

Việc dạy kỹ năng này phải bắt đầu từ bậc học mầm non, từ những cách đơn giản nhất là điều tiết hơi thở và theo dõi trạng thái cơ thể. Mỗi bậc học khác nhau cần dạy kỹ năng này theo những cách khác nhau, nhưng chung quy lại phải cho học sinh được trải nghiệm thực tế và phải có các bài luyện tập về điều tiết hơi thở, quan sát hơi thở, quan sát cơ thể, nhận biết các dấu hiệu đang diễn ra đối với cơ thể. Nghĩa là, nếu các em biết cách kết nối với cơ thể mình thì sẽ kết nối được với người khác và kết nối được với thiên nhiên.

Ví dụ, nếu bạn ngồi vắt chân lên nhau thì một tiếng sau, chân sẽ tê và đau, khi đó điều đầu tiên bạn nghĩ là đổi chân, hoặc thả chân xuống. Nếu làm như vậy thì bạn không bao giờ hiểu được bản thân mình cả, không hiểu được cảm xúc của bản thân. Bạn hãy để nguyên như vậy và theo dõi xem điều gì đang diễn ra với chân mình và điều tiết nó, lắng nghe nó, một lúc sau, cảm giác tê chân sẽ không còn vì bạn đã kiểm soát được chân của mình.

Vậy, theo ông phía nhà trường nên dạy kỹ năng quản lý cảm xúc cho trẻ như thế nào là vừa và đủ; cha mẹ thì nên dạy cho con về kỹ năng này như thế nào, bởi bản thân nhiều cha mẹ cũng chưa hề được học về kỹ năng quản lý cảm xúc?

Hiện nay, các trường đã triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có kỹ năng quản lý cảm xúc. Giáo dục về kỹ năng sống cần phải được triển khai một cách bài bản thông qua các tình huống cụ thể. Cha mẹ muốn dạy con kỹ năng quản lý cảm xúc phải hiểu rõ về kỹ năng này. Bằng kinh nghiệm của mình, cha mẹ hoàn toàn có thể dạy cho trẻ được thông qua kinh nghiệm những lần nóng giận, hoặc buồn chán, mất thăng bằng thì bản thân cha mẹ đã vượt qua thế nào, từ đó có thể truyền dạy lại cho trẻ. Cha mẹ nếu chưa biết rõ về kỹ năng này thì có thể tìm hiểu và dạy lại cho trẻ được. Quan trọng là ngay trong môi trường gia đình, cha mẹ cần quan tâm đến các cảm xúc hàng ngày của trẻ, tạo ra một không gian bình an, chia sẻ, dạy trẻ các bài học nuôi dưỡng lòng biết ơn, hành động tử tế mỗi ngày… Đây chính là các yếu tố tạo nên kỹ năng quản lý cảm xúc cho trẻ.

Ông có thể cho vài lời khuyên để trẻ em nói riêng và học sinh nói chung luôn giữ cho mình tâm lý, cảm xúc vui vẻ, tích cực và có cách ứng xử đúng khi có những cảm xúc tiêu cực như giận dữ hay nỗi tuyệt vọng đang lấn át mình?

Các em cần phải biết, thay vì đàn áp cảm xúc thì chúng ta nên điều tiết, hay nhìn sự việc từ góc nhìn tích cực. Hãy luôn nhớ trong não chúng ta có 4 loại hoóc-môn hạnh phúc, đó là Serotonin: Cân bằng tâm trạng; Dopamine: Hệ thống khen thưởng; Endorphin: Tiêu diệt niềm đau; Oxytocin: Yêu thương. Ví dụ, khi tức giận thì hãy hít thở sâu rồi từ từ thở ra, hoặc bỏ đi; khi buồn chán thì tìm người chia sẻ, nghe nhạc hoặc chơi thể thao; khi thất vọng, thiếu động lực thì hãy xem những đoạn video về những người không may mắn như mình, họ đã vươn lên như thế nào?… Tóm lại, các em cần phải học cách lắng nghe bản thân, hiểu được bản thân sẽ điều tiết và kiểm soát được các hành vi của bản thân.

Xin cảm ơn về những chia sẻ của ông!

Ngọc Hà (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức khỏe, tinh thần của nữ sinh bị đánh hội đồng đã ổn định

Tối 24/10, bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc cho biết, rất mừng vì kết quả kiểm tra sức khỏe của em M.T.T.T (học sinh lớp 7, Trường THCS Lộc Điền bị nhóm học sinh đánh hội đồng) không nghiêm trọng. Các xét nghiệm, chẩn đoán đều cho kết quả bình thường và em T. đã được gia đình đưa về nhà.

Sức khỏe, tinh thần của nữ sinh bị đánh hội đồng đã ổn định
Tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em tại huyện A Lưới

Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế (17/9/1993 - 17/9/2023) (gọi tắt Liên hiệp Hội), dịp này, Liên hiệp Hội triển khai các hoạt động phổ biến kiến thức về bình đẳng giới, bảo vệ quyền trẻ em tại các địa phương: A Lưới, Phong Điền, TP. Huế.

Tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em tại huyện A Lưới
Return to top