ClockThứ Hai, 03/06/2024 06:01

Học sinh THPT và "Hành trình xanh"

TTH - Bắt đầu từ năm 1974, Ngày Môi trường thế giới hàng năm gửi gắm những thông điệp về bảo vệ môi trường, nhắn nhủ mọi người chung tay bảo vệ hành tinh xanh. Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024 với chủ đề "Beat plastic pollution" (Đánh bại ô nhiễm nhựa), Trường THPT Tam Giang (huyện Phong Điền) tổ chức Hội thi "Hành trình xanh" dành cho các em học sinh.

Thông điệp về "Hành trình xanh" bảo vệ môi trường“Giao thông điện Huế - Hành trình xanh cho tương lai”Hành trình xanh cho phát triển kinh tế

 Cô và trò Trường THPT Tam Giang tham gia Hội thi "Hành trình xanh". Ảnh: Đức Bảo

Tại buổi hùng biện về chủ đề bảo vệ môi trường của Hội thi "Hành trình xanh" ở Trường THPT Tam Giang vào đầu tháng 5, các em học sinh đã hào hứng chia sẻ về nhiều vấn đề môi trường hiện nay như phát thải khí nhà kính, ô nhiễm rác thải nhựa, bước chân sinh thái... "Nhóm chúng em kể câu chuyện về hành trình của một chai nhựa từ nhà máy sản xuất đến với đại dương, qua đó muốn truyền tải thông điệp về giảm rác thải nhựa và vứt rác đúng nơi quy định. Với sự hỗ trợ, định hướng từ các thầy cô, nhóm chúng em đã gạt bỏ những bất đồng để cùng chung tay hoàn thiện sản phẩm", em Hoàng Thụy An, học sinh lớp 11A1 chia sẻ.

Chương  trình "Hành trình xanh" được phối hợp tổ chức bởi Trung tâm Đào tạo Kỹ năng mềm Quốc tế Ikigai và Trường THPT Tam Giang. Theo ThS. Hoàng Đức Bảo, chuyên gia kỹ năng mềm, với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã tạo nên mục tiêu về bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững cho quốc gia. Đây là một thách thức đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội, trong đó có cả những em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Thông qua Hội thi "Hành trình xanh" và những video truyền thông do các em học sinh thực hiện, ThS. Hoàng Đức Bảo kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng tích cực trong cộng đồng, giúp người dân chú trọng hơn vấn đề bảo vệ môi trường.

Thực tế, thông qua hoạt động trao đổi, làm việc nhóm, lắng nghe và chia sẻ suy nghĩ, ý kiến của bản thân để cho ra những sản phẩm là các video truyền thông cũng giúp các em nâng cao kỹ năng mềm của bản thân, đồng thời thể hiện những điểm mạnh của bản thân mình. "Có những em có tài năng hùng biện, trình bày phần thi của nhóm mình rất hay, rất thuyết phục. Nhưng cũng có những bạn chưa quen đứng trước đám đông, nên lúc vào phần thi có phần lo lắng, hồi hộp. Nhờ những trải nghiệm như vậy, các em sẽ trưởng thành hơn, dần cải thiện được kỹ năng mềm của mình, bên cạnh việc tìm hiểu về các vấn đề môi trường", thầy giáo Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Giang nói.

Theo TS. Đường Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ môi trường miền Trung, các em đã thể hiện được sự trăn trở và quan tâm về các vấn đề môi trường hiện nay. Không chỉ là những câu tuyên truyền sáo rỗng, các em học sinh đến từng nhà người dân để phỏng vấn về mức độ sử dụng rác thải nhựa; đến các chợ, bờ biển, các khúc sông để chụp ảnh hiện trường rác thải; tìm hiểu về "ô nhiễm trắng", vòng đời của những loại bao bì nhựa; chủ động tìm hiểu về tác hại mà ô nhiễm môi trường gây ra... Sự nỗ lực của các em còn thể hiện ở việc đầu tư kịch bản, quay phim, hiệu ứng hình ảnh bắt mắt, các thông điệp ý nghĩa được lồng ghép trong các đoạn video để mang lại hiệu ứng truyền tải tốt nhất đến cho người xem.

Đặc biệt, dù có 11 nhóm tham gia dự thi nhưng các sản phẩm không bị trùng lặp về mặt ý tưởng và phương thức để giải quyết vấn đề "ô nhiễm môi trường" mà BGK đã đặt ra. "Dù hội thi đã khép lại nhưng với tôi, niềm tin đã được mở ra - niềm tin vào sự hiểu biết của các em về tác hại của ô nhiễm môi trường đến cuộc sống con người, niềm tin vào ý thức và trách nhiệm của các em về bảo vệ môi trường nhằm hướng đến một môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp trên quê hương Thừa Thiên Huế", ThS. Hoàng Đức Bảo chia sẻ.

ĐĂNG TRÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top