ClockThứ Năm, 08/02/2024 07:31

Học trò “săn” giải quốc tế

TTH - Dù mới học tiểu học nhưng nhiều cô, cậu học trò nhí đã làm quen với việc tranh tài ở các sân chơi toán quốc tế, trong đó có nhiều em đoạt huy chương vàng (HCV).

10 năm cuộc thi khoa học kỹ thuật với nhiều dấu ấnGần 1.400 học sinh tham gia thi IEC - iLead English Championship 2021

 Bồi dưỡng cho học sinh giỏi toán ở Trường tiểu học Vĩnh Ninh

Học trò nhí “ẵm” giải vàng

Thông minh, hoạt bát, nói năng chững chạc là ấn tượng em Phan Nguyên Đức, học sinh lớp 4/4, Trường tiểu học Trần Quốc Toản mang đến cho người đối diện. Cậu bé nhỏ nhắn này càng trở nên đặc biệt khi sở hữu nhiều HCV tại các kỳ thi toán quốc tế. Năm nay, Đức tham dự hai cuộc thi toán quốc tế SEAMO, ASMO và ẵm luôn 2 HCV của cả 2 cuộc thi. Mới học lớp 4 nhưng Đức là học sinh có thâm niên săn giải ở cuộc thi toán quốc tế SEAMO. Từ năm lớp 2, Đức đã đạt HCV toán SEAMO và năm lớp 3, em tiếp tục giành HCV tại cuộc thi này.

Hỏi Đức có thấy áp lực khi tham gia khá nhiều kỳ thi toán quốc tế và lại thi từ rất sớm? Cu cậu cười toe: “Đề thi không quá khó. Đa phần các câu trong đề đều vừa sức với em, có những câu khá hóc búa nhưng như vậy mới thú vị. Với em, môn toán luôn cuốn hút, càng khám phá, em càng thấy nhiều điều hay, nhất là những bài khó. Bởi vậy, khi học môn toán, em thấy rất dễ hiểu, hấp dẫn chứ không khô khan, nhàm chán”.

 Em Phan Nguyên Đức, học sinh lớp 4/4, Trường tiểu học Trần Quốc Toản trong giờ học toán

Huỳnh Nhật Đăng Quân, học sinh lớp 4/6, Trường tiểu học Trần Quốc Toản cũng đạt nhiều thành tích xuất sắc tại các kỳ thi toán quốc tế SEAMO. Bước vào sân chơi này năm lớp 3 và lớp 4, Quân đều đạt HCV. Năm nay, em là thí sinh đạt điểm cao nhất trong số các HCV tại cuộc thi SEAMO. Làm quen với những con số từ khi chưa biết chữ, Đăng Quân tỏ ra có năng khiếu đặc biệt với môn toán. Đây cũng là môn học yêu thích của Quân từ khi vào lớp 1. Lớp 2, Quân đã được ba cho tiếp cận với toán quốc tế, đến lớp 3, em bắt đầu chinh phục cuộc thi. Quân kể: “Phương pháp của em là tập trung nghe thầy cô giảng bài và nắm bài ngay trên lớp. Về nhà, chỉ cần ôn lại là xong, thời gian còn lại em để dành cho việc luyện toán”.

Đồng hành cùng con

Trò chuyện với Nguyên Đức, Đăng Quân, các em đều hồn nhiên chia sẻ rằng, việc đoạt giải toán quốc tế không quá khó, tất cả đều vừa sức và nằm trong khả năng của các em. Dĩ nhiên không đơn giản như thế, đó là kết quả sau hành trình rèn luyện của học sinh với sự đầu tư bài bản của gia đình và nhà trường. Học sinh phải có nền tảng trước, sau đó là sự rèn giũa, ôn tập. Quan trọng nhất là sự động viên, đồng hành của phụ huynh với niềm đam mê của con.

Từ nhỏ, Nguyên Đức có niềm đam mê với những con số và phản xạ rất nhanh. Để giúp con phát triển tư duy, từ lúc 4 tuổi, chị Lê Thị Ngọc Tâm, mẹ của Đức đã cho con tiếp cận với toán tính nhanh và tiếng Anh. Chị Tâm kể: “Trước khi vào tiểu học, cháu đã biết làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Từ học kỳ 2 của lớp 1, cháu bén duyên và bắt đầu luyện toán quốc tế với giảng viên của Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế. Từ sự giới thiệu của thầy, tôi cho cháu tiếp cận, làm quen với các sân chơi toán quốc tế, đọc thêm sách, nhất là bộ sách nổi tiếng “Đánh thức tài năng toán học” của Terry Chew… Càng tìm tòi, học hỏi, cháu càng yêu thích, mở rộng tư duy và tiến bộ dần”.

Ngoài việc tìm thầy cho con học, chị Tâm mua sách, tìm kiếm tài liệu để mang về cho con các dạng đề ôn tập, tham gia các group phụ huynh để học hỏi kinh nghiệm. Mỗi tối, chị đồng hành học cùng con. Với những bài toán khó, hai mẹ con cùng làm. Nếu chưa tìm ra đáp án, chị Tâm lại hỏi các thầy cô giáo, nhờ các phụ huynh ở group tư vấn rồi bày lại cho con.

Là giáo viên toán, anh Huỳnh Văn Thơi, phụ huynh em Đăng Quân nhìn thấy năng khiếu và niềm đam mê của con nên đầu tư xây dựng nền tảng từ khi Quân học lớp 2. Tìm hiểu sâu, anh thấy toán quốc tế có tính tư duy cao, vượt cấp so với độ tuổi của học sinh nhưng các cháu vẫn có thể tiếp cận. Với những bài toán có tính vượt cấp, anh chuyển đổi kiến thức phù hợp với học sinh tiểu học để Quân dễ tiếp thu.

Anh Thơi chia sẻ: “Để đầu tư cho con, tôi đặt mua tài liệu ở Singapore, tập cho con thói quen tự học, tự đọc, làm quen dần với bài tập trong sách. Toán quốc tế nặng về tư duy logic, đòi hỏi các em phải có năng khiếu và cũng cần có lộ trình đào tạo bài bản. Tôi thường dạy theo từng chuyên đề kết hợp giữa toán Việt Nam với toán quốc tế để tạo nền tảng cho con. Không phải cho con đi thi quốc tế để có thành tích nhưng cũng cần cho cháu làm quen vì đây là kỳ thi uy tín, chuyên nghiệp, đánh giá được năng lực của học sinh”.

Nhà trường động viên, bồi dưỡng

Những năm gần đây, các kỳ thi toán quốc tế được tổ chức rộng rãi và được nhiều học sinh, phụ huynh, nhà trường quan tâm. Có khá nhiều cuộc thi toán quốc tế uy tín được tổ chức, như: KANGAROO, SASMO, AMO, ASMO và SEAMO… Chẳng hạn, SEAMO là kỳ thi đánh giá năng lực toán tiếng Anh toàn cầu được biết đến trên toàn thế giới do ông Terry Chew, tác giả bộ sách nổi tiếng “Đánh thức tài năng toán học” giám sát về mặt học thuật. Kỳ thi được tổ chức thường niên tại nhiều nước trên thế giới, như: Úc, Hồng Kông, Ấn Độ, Ý, Na Uy, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ... Trước đây, những cuộc thi này được tổ chức ở các thành phố lớn. Hai năm nay, một số cuộc thi được tổ chức tại Huế tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia.

Các trường tiểu học: Vĩnh Ninh, Trần Quốc Toản, Lê Lợi… là những ngôi trường đầu tư rất tốt cho học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế và năm nào cũng có học sinh đoạt giải. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, các cuộc thi toán quốc tế là cơ hội để học sinh khẳng định năng lực, đề thi cũng rất khoa học với 60% câu hỏi ở mức vừa phải, mức độ khó được tăng dần để phân loại thí sinh. Để tham dự các kỳ thi quốc tế, học sinh cũng phải giỏi tiếng Anh. Đồng hành cùng học sinh, nhà trường tăng cường bồi dưỡng, tìm kiếm tài liệu toán liên quan đến cuộc thi để chia sẻ cho giáo viên và phụ huynh.

Bà Nguyễn Ngọc Minh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh cho hay, Vĩnh Ninh là một trong những trường khởi đầu cho học sinh đi thi toán quốc tế. Phát hiện em nào có khả năng, nhà trường phối hợp với phụ huynh bồi dưỡng cho học sinh tiếp cận với toán tiếng Anh từ năm lớp 2, lớp 3. Nhà trường mở câu lạc bộ bồi dưỡng toán theo tinh thần tự nguyện, kết nối mời giảng viên ở Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế bồi dưỡng cho học sinh tham gia các kỳ thi giao lưu olympic cấp thành phố, cấp tỉnh, kỳ thi toán quốc tế. Quỹ thời gian để giáo viên bồi dưỡng trực tiếp không có do các em học 2 buổi/ngày và số tiết theo quy định nên trong các tiết toán, giáo viên đều dành thời gian cuối buổi để tăng cường bồi dưỡng thêm cho học sinh có năng khiếu qua việc tăng kiến thức, ra bài tập nâng cao… Sự ươm mầm này góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê toán học cho học sinh.

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Mẹ Lành" của học trò vùng cao

Hai từ “mẹ Lành” thân thương được nhiều trẻ gọi cô Mai Thị Mộng Lành (Trường mầm non Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) không phải tự nhiên mà có. Ngoài giờ trên lớp, cô giáo Lành còn dành thời gian đến nhà thăm hỏi gia đình của các cháu. Đến buổi chiều vào giờ tan trường, có những trẻ mà ba mẹ đi làm rẫy chưa kịp về, cô Lành lại chở các cháu về nhà. Dù đường bản đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng không làm khó được cô giáo dáng người nhỏ nhắn.

Mẹ Lành của học trò vùng cao
Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Return to top