ClockChủ Nhật, 29/09/2024 14:40

Hướng đến Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung

TTH - Đó là mục tiêu của Đại học Huế. Điều này không chỉ tăng vai trò, vị thế của Viện Công nghệ sinh học nói riêng, của Đại học Huế nói chung mà cả thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian đến. Để hiểu rõ hơn về định hướng, các giải pháp thực hiện và vai trò của trung tâm trong tương lai, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế.

Đưa Viện Công nghệ sinh học phát triển xứng tầm Gắn nghiên cứu phục vụ đời sống xã hội

 PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế

Đầu tiên, xin bà có thể cho biết rõ hơn về định hướng xây dựng Viện Công nghệ sinh học thành Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung?

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đã xác định nhiệm vụ xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ tầm quan trọng của công nghệ sinh học, mục tiêu đóng góp 7% vào GDP đến năm 2030; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội. Đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ tiếp tục đầu tư hoàn thiện, sớm đưa các trung tâm công nghệ sinh học Quốc gia ở ba miền Bắc, Trung, Nam vào hoạt động.

 Cán bộ của Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế nghiên cứu khoa học

Cần nói thêm rằng, ngay trước Nghị quyết 54, Nghị quyết 26 và Nghị quyết 36, Chính phủ cũng đã có định hướng phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế thành Trung tâm Công nghệ sinh học cấp Quốc gia khu vực miền Trung, thông qua Quyết định 523 ngày 14/5/2018. Tháng 4/2023, sau khi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã kết luận giao Bộ Giáo dục và Đào tạo đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo Đại học Huế hoàn thiện đề án “Xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học cấp Quốc gia khu vực miền Trung”.

Mới đây, ngày 5/9/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai xây dựng đề án thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học cấp Quốc gia khu vực miền Trung trên cơ sở từ Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế. Đây là cơ sở để Đại học Huế xây dựng đề án, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu cụ thể của đề án là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới, khu ươm tạo và sản xuất thử nghiệm gồm nhà kính, nhà lưới và sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để phát triển viện thành một trong ba trung tâm công nghệ sinh học Quốc gia đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN. Hoàn thiện, tổ chức hoạt động các phòng thí nghiệm chuyên môn. Phát triển và ứng dụng công nghệ nền để tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường vùng ven biển và đồi núi.

Bà có thể cho biết những thời cơ nào để có thể hình thành Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung tại Huế?

Việc hình thành Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân của các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên; phù hợp với định hướng phát triển của Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị; trong đó, xác định phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh theo cơ chế thị trường; hình thành khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao và các tổ chức nghiên cứu đủ sức giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ của vùng và Quốc gia; trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ.

 Học sinh trải nghiệm môi trường làm việc tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế

Thừa Thiên Huế với nòng cốt Đại học Huế là cơ sở giáo dục đại học hội tụ đủ bề dày nghiên cứu công nghệ sinh học, có đội ngũ mạnh về lĩnh vực này. Đến nay, có hơn 200 nhà khoa học có trình độ chuyên môn về công nghệ sinh học, các ngành gần, ngành phù hợp, với 4 giáo sư, 28 phó giáo sư và 68 tiến sĩ. Chính vì vậy, việc thành lập trung tâm sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh về đội ngũ trình độ cao, kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học của Đại học Huế; tập hợp đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực này ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; đáp ứng nhu cầu về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về công nghệ sinh học, các ngành có liên quan của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

Xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học cấp Quốc gia miền Trung trên cơ sở Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế cũng sẽ góp phần vào tiến trình xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết số 54 và Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh những thuận lợi này thì quá trình triển khai vẫn sẽ gặp không ít khó khăn phải không, thưa bà?

Đúng vậy, cơ sở hạ tầng và trang, thiết bị chưa đồng bộ. Vì vậy, cần nâng cấp hệ thống trang, thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO. Cần có thêm cơ chế để tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Khi trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung, vai trò, vị thế sẽ khác. Bà có thể chia sẻ những vai trò mới là gì ạ?

Trung tâm sẽ trở thành nơi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực y dược, thực phẩm, sinh hóa, nông nghiệp và dược liệu... cấp Quốc gia tại miền Trung. Đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ nền của công nghệ sinh học. Có khả năng giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội.

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển thành một trong ba trung tâm công nghệ sinh học Quốc gia đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN. Nâng cao năng lực, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, kiến tạo, chuyển giao sản phẩm, quy trình công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Bảo đảm đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ phân tích trong các lĩnh vực y dược, thực phẩm, sinh hóa, môi trường và nông, lâm sản. Đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Xin cảm ơn bà!

Đức Quang (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ mới - chìa khóa cho mục tiêu Net Zero

Tại diễn đàn "Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp - động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương" vừa được ngành khoa học công nghệ (KHCN) và các đơn vị liên quan tổ chức, từ khóa "mục tiêu Net Zero" được nhắc đến khá nhiều. Trọng tâm để đạt mục tiêu này chính là việc hấp thụ, ứng dụng công nghệ mới, mà ngay cả cộng đồng doanh nghiệp cũng thừa nhận.

Ứng dụng công nghệ mới - chìa khóa cho mục tiêu Net Zero
Return to top