|
Tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm cho học sinh tiểu học |
Linh hoạt, chủ động
Năm học 2023 - 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Sở GD&ĐT cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các trường chủ động trong việc tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là việc linh hoạt trong sử dụng sách giáo khoa, tài liệu bổ trợ dạy học. Quy mô mạng lưới trường lớp từ bậc mầm non đến cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục tư thục khác cơ bản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và điều kiện đi lại học tập của học sinh. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 74,7%.
Với cấp tiểu học, các trường đã thực hiện linh hoạt phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học, tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm. Các lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 có 100% số lớp học 2 buổi/ngày.
Ở trung học, Sở GD&ĐT tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trung học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.
Năm nay, Kỳ thi tuyển sinh các lớp đầu cấp và Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra nghiêm túc, an toàn. Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tăng nhẹ đều các môn; trong đó, không có môn nào có điểm trung bình dưới 5 điểm. Tính theo phổ điểm thi trung bình, Thừa Thiên Huế đạt 6,74 điểm (năm 2023 là 6,5 điểm) và xếp thứ 23/63 tỉnh thành, tăng 3 bậc so với năm 2023. Tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,4% (năm 2023 tỷ lệ tốt nghiệp là 98%), trong đó nhiều trường đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào đại học và nhập học năm 2023 tiếp tục đứng tốp dẫn đầu của quốc gia, đạt 67,01%, đứng thứ 5/63 tỉnh thành.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, đây là thành quả của nhiều yếu tố, từ quyết tâm của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp tham gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia để đảm bảo điều kiện dạy học tốt nhất, đến việc triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới, khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, rào cản trong quá trình triển khai chương trình mới. Ngành luôn tạo ra những thuận lợi, tổ chức tập huấn đầy đủ, dự báo trước những tình huống khó khăn để đưa ra giải pháp tổ chức chương trình GDPT mới đúng như mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học. Từ đó, đã tạo ra không khí học tập trong các trường học, thầy cô giáo chủ động, học sinh tích cực.
Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học
Ngành GD&ĐT vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Công tác tham mưu cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính mặc dù được tăng cường, nhưng vẫn chưa đảm bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa và đảm bảo trường, lớp học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ phòng học bán kiên cố còn cao. Số trường đạt chuẩn quốc gia nhìn chung vẫn còn thấp, nhất là cấp THPT. Toàn tỉnh còn nhiều trường tiểu học, THCS quy mô nhỏ, nhiều điểm trường lẻ, gây khó khăn trong việc thực hiện quy định bình quân học sinh/lớp theo Thông tư số 20 của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, một số địa phương có số nhóm, lớp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập chưa đủ để đáp ứng nhu cầu độ tuổi nhà trẻ đến trường.
Việc thiếu giáo viên ở các cấp học; thừa, thiếu cục bộ giáo viên cấp THCS, THPT vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Việc triển khai dạy học liên môn khoa học tự nhiên ở cấp THCS còn bất cập do đội ngũ giáo viên chủ yếu chỉ được đào tạo đơn môn.
Năm học 2023 - 2024, Chương trình GDPT 2018 được triển khai từ lớp 1 đến lớp 12, cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Ngành giáo dục tập trung triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, 9, 12; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đồng thời, phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; chủ động rà soát và phát triển chương trình GDPT bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tế triển khai tại các cơ sở giáo dục.