ClockThứ Tư, 01/06/2022 14:54

Khi các con được lắng nghe

TTH - Trong hơn 25 năm đi dạy và suốt một thời gian dài làm công tác tư vấn học sinh, tôi đã lắng nghe rất nhiều câu chuyện từ các em học sinh.

ĐH Huế tổ chức các hoạt động khởi nghiệp và giao lưu văn hóa PhápGiao lưu “Tự hào truyền thống – Tiếp bước cha anh”Lắng nghe con trẻ

Một buổi tư vấn học đường giúp học sinh bày tỏ những tâm tư, suy nghĩ

Có những câu chuyện xuất phát từ tình cảm của tuổi mới lớn bồng bột thiếu suy nghĩ, dẫn đến hành động vượt quá giới hạn. Vì lo sợ nên không dám nói với bố mẹ, không thể chia sẻ với bạn bè, bản thân lại thiếu hiểu biết nên lại càng lo lắng hơn. Nỗi lo kéo dài ảnh hưởng đến tinh thần và kết quả học tập. Và cuối cùng em ấy mạnh dạn tìm đến và hỏi tôi: “Liệu em có sao không và phải làm gì?”. Có em bị xâm hại từ lúc còn nhỏ, không dám nói với ai, sống trong sự lo âu, căng thẳng, dồn nén suốt hơn 7 năm mới dám nói ra cùng với những băn khoăn, lo lắng cho tương lai. Có em thì mặc cảm với vẻ bề ngoài, với chiều cao, với sự tự ti về bản thân. Có em thì hoài nghi về giới tính. Có em thì mặc cảm do gia đình nghèo, do bố hay uống rượu say... Nhiều em gặp tôi, vừa kể, vừa khóc nức nở.

Cũng có trường hợp, học sinh là nạn nhân của những cám dỗ, lợi dụng. Trong gia đình và nhà trường, các em được dạy phải biết quan tâm, yêu thương người khác, biết giúp đỡ những người xung quanh… Nhưng ngoài xã hội lại có những người lạm dụng tình cảm chân thành và sự nhẹ dạ của các em. Cũng may, các em gọi cho tôi kịp thời để xin cô tư vấn và định hướng cách ứng phó với những tình huống khó xử này.

Nhiều cha mẹ học sinh cứ cho rằng, các con đang còn nhỏ, vô tư, chưa biết gì nhưng thực tế, các con ở lứa tuổi vị thành niên lại đang diễn ra sự thay đổi tâm, sinh lý khá phức tạp, đặc biệt là các con rất nhạy cảm. Những mâu thuẫn, những rạn nứt trong gia đình làm cho các con lo lắng, suy nghĩ nhưng không dám nói ra, dẫn đến tình trạng chán nản, trầm cảm... Cha mẹ cũng đừng nghĩ rằng, các con chưa lớn mà thiếu tôn trọng hoặc muốn nói gì con cũng được. Nhiều bậc phụ huynh không ngờ đôi lúc chính cách cư xử của mình lại làm cho các con “đau”, làm tổn thương đến tinh thần, tình cảm của các con.

Có một lần, dạy xong tiết, tôi nhận được lá thư của một học sinh. Trong thư, em ấy bảo: “Qua lời kể của các bạn ở lớp học thêm, em biết về cô và muốn chia sẻ cùng cô nỗi dằng xé, dằn vặt trong em”. Lá thư viết tay dài đến 4 trang giấy ấy, có những con chữ nhòe nước mắt. Đọc xong thư, tôi mới hiểu, nó giống như một lá thư “tuyệt mệnh”. Tôi bủn rủn chân tay, khi trong thư em ấy tự nhận đã mấy lần tự làm tổn thương bản thân bằng những vật nhọn và tự tử không thành. Lúc em viết lá thư cho tôi là lúc em đang cùng quẫn, tâm trí rối bời bởi vừa gặp sự cố với bạn bè, vừa bị ba em (người mà em ấy luôn tôn trọng) không tin tưởng em, đổ tội ăn cắp tiền cho em và mắng chửi em thậm tệ. Đã vậy, mẹ và em của em cũng đứng về phía ba em, nhìn em với ánh mắt khinh miệt, chối bỏ mọi sự phân trần của em.

Tôi vội vàng lấy giấy, bút viết lại cho em ấy một lá thư. Ba hôm sau, tôi nhận được bức thư phản hồi từ em. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi trong thư em ấy bảo, đã nhận ra một phần lỗi của bản thân mình và hứa sẽ làm theo lời cô chỉ dẫn. Tôi cảm động khi em ấy viết: “Em thực sự cảm ơn cô, mặc dù cô không phải là cô giáo của em nhưng cô đã dành thời gian tận tình giúp em vượt qua lúc khó khăn nhất, để em thấy cuộc sống ấm áp hơn”. Vậy đó, đôi lúc chỉ cần lắng nghe, bỏ chút ít thời gian để chia sẻ, để hiểu học sinh, chúng ta có thể làm thay đổi suy nghĩ và hành động của các con.

Học sinh trung học là đối tượng đang ở độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý và các mối quan hệ xã hội, song các con chưa đủ lớn, chưa có kinh nghiệm và kỹ năng để tự định hướng và giải quyết những vấn đề của mình trong cuộc sống. Do vậy, các con cần phải có nơi an toàn, tin cậy để được trao đổi, chia sẻ, định hướng những lúc gặp khó khăn. Trong gia đình, cha mẹ là người đầu tiên các con tìm đến. Nhưng trên thực tế, nhiều học sinh lại tâm sự với tôi rằng, ba mẹ không có thời gian, ba mẹ thiếu gần gũi, ba mẹ không hiểu và hay áp đặt suy nghĩ của ba mẹ lên con cái... Đến trường, thầy, cô giáo là điểm tựa, là nơi tìm đến khi các con gặp những tình huống khó xử. Nếu thầy cô cũng không lắng nghe để hiểu và định hướng cho các con thì điều gì sẽ xảy ra?

Hồi còn trẻ, khi chưa có điện thoại di động tôi đã cung cấp cho các em số điện thoại bàn ở nhà để khi cần các em gọi. Tôi nhớ, có người bảo tôi rằng: “Làm chi thế cho mệt, tự dưng rước khổ vào thân”. Vẫn biết đó là công việc không tên, không ai biết, không thu nhập… song tôi lại cho rằng, khi có người lắng nghe các con và luôn có một số điện thoại nóng để lúc cần sẽ như là một điểm tựa, một chỗ dựa tinh thần cho các con. Cái gì từ trái tim sẽ được cảm nhận và đi đến trái tim. Tình yêu thương của người thầy sẽ giúp các con cảm nhận, tin tưởng và tìm đến. Việc lắng nghe sẽ giúp chúng ta thấu hiểu các em hơn. Từ đó có thể định hướng suy nghĩ, thái độ, hành vi, lối sống cho các em.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoa Phượng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều học sinh cuối cấp đã gác lại kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi để tập trung ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây cũng là dịp phụ huynh có thời gian rảnh để đồng hành cùng con.

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi
Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế

Để ươm mầm cho học sinh đi thi và đoạt giải quốc tế, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế xây dựng lộ trình bồi dưỡng bài bản. Đằng sau những tấm huy chương là không ít mồ hôi, công sức của thầy và trò.

Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế
Lắng nghe vườn Huế

“Tôi nghiên cứu nhà vườn như mối liên hệ giữa nghệ thuật với văn hóa Việt Nam, mối liên hệ sâu sắc với mảnh đất và tinh thần Huế. Nét văn hóa ẩn tàng vẫn còn tồn tại trong những giá trị và bản sắc Huế ngày nay”, Giáo sư (GS), kiến trúc sư (KTS) cảnh quan Kimberlee Stryker (Đại học California, Berkeley) đã nói như vậy trong nghiên cứu về vườn Huế: “Listening to the Gardens of Hue, Vietnam”, cách đây 25 năm.

Lắng nghe vườn Huế
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

Sáng 25/4, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp công dân tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Cùng dự buổi tiếp công dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn
Return to top