Cô Trần Thị Thủy nhớ lại: “Khi được nhà trường chỉ định làm đề tài để tham gia kỳ thi, chúng tôi rất bối rối. Đây là cuộc thi cấp Bộ, chúng tôi biết chọn đề tài gì đây từ ngôi trường nhỏ ở vùng xa thành phố này. Sau nhiều thảo luận, tôi và Bình quyết định chọn đề tài với mong muốn dựa vào công nghệ thông tin để đưa niềm đam mê của học sinh đến với các môn học xã hội.”.
|
Một tiết học thử nghiệm đề tài “Kết hợp phần mềm Violet 1.8 vào powerpoint trong thiết kế bài giảng điện tử” ở Trường TH Phong Thu
|
Sau nhiều năm đứng lớp, những nữ giáo viên này nhận thấy học sinh luôn hứng thú với các kỳ như giải toán qua mạng, IOE… Cả hai đều có cùng nhận định rằng điều đó phần nào nhờ vào công nghệ thông tin. Hai người cùng đặt ra câu hỏi: “Tại sao IOE chỉ dành cho tiếng Anh và toán mà không thể các môn học khác? Thế là, các cô đã chọn môn địa lý - môn học mà xu hướng hiện nay không được học sinh mặn mà - để làm đề tài bằng cách kết hợp phần mềm Violet1.8 với phần mềm powerpoint trong soạn giáo án điện tử.
Để thực hiện đề tài, cần nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính; đồng thời, việc kết hợp hai phần mềm cũng là một thử thách, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức công nghệ thông tin thật tốt. Khó khăn dần được giải quyết sau thời gian “đôi bạn” cùng miệt mài nghiên cứu dù với những thiết bị thông tin của trường còn sơ sài so với các đơn vị giáo dục khác. Công việc lôi cuốn các cô bởi sự phong phú về các nguồn tư liệu họ tìm được trên mạng internet cũng như trong sách báo. Càng ngày, họ càng thấy hứng thú với tác phẩm của mình khi được dùng phương pháp tự luận, trực quan… vào phần mềm Violet 1.8 của máy tính, máy chiếu projector… Năm học 2013-2014, các cô bắt đầu giảng dạy thử nghiệm tại cơ sở, ngay những tiết học đầu tiên đã nhận được tín hiệu phản hồi tốt. Nếu trước đây phải cùng lúc vừa sử dụng máy chiếu, băng hình vừa phải có máy ghi âm... rất cồng kềnh nhưng hiệu quả chưa cao thì nay, phần mềm Violet 1.8 có giao diện được thiết kế trực quan và dễ dùng, ngôn ngữ giao tiếp và phần phụ trợ đều bằng tiếng Việt, phù hợp cho mọi giáo viên, nhất là những giáo viên không thông thạo tiếng Anh. Còn với học sinh, giờ địa lý trở nên sống động trong cách học mới; không những thu hút được sự chú ý của học sinh vào bài giảng mà còn phát huy tính độc lập, tự giác, tích cực của các em khi đã tìm được bài học của mình qua các trò chơi, như: trắc nghiệm, ghép đôi, ô chữ, kéo thả, điền khuyết, xếp chữ,... hay bằng game giáo dục trong Violympic, IOE và các gameshow truyền hình như: Ai là triệu phú, Rung chuông vàng, Đuổi hình bắt chữ…Em Ngô Thị Kiều Trinh, học sinh lớp 4/2 hào hứng: “Chúng con rất thích giờ địa lý, vì vừa học lại vừa được chơi. Các trò chơi như: Cóc vàng tài ba, Chú khỉ thông minh, Tìm cặp giống nhau… vừa thú vị vừa giúp chúng con hiểu bài nhanh hơn, nhớ bài lâu hơn.”. Kết quả của đề án cho thấy, vai trò của giáo viên chủ yếu là dẫn dắt các em sau khi đưa ra nội dung bài học hoặc tự động chọn từ ngân hàng câu hỏi có sẵn giúp học sinh nhớ bài lâu, lĩnh hội được nhiều kiến thức nhờ chủ động tìm hiểu, khám phá và tự sáng tạo bài học. Đề tài này cũng giúp giáo viên ngày càng nâng cao trình độ và phương pháp sư phạm.
Cô giáo Trần Thị Mỹ Bình kể lại: “Khi tiến hành đề tài, chúng tôi chỉ mong giúp học sinh hứng thú thêm với các môn học xã hội, nhưng khi biết công trình của mình đạt giải cấp Bộ thì quả là bất ngờ. Chúng tôi tin rằng, không chỉ địa lý mà bất cứ môn học nào cũng có thể mang lại niềm đam mê cho học sinh nếu chúng ta tìm được phương pháp phù hợp”.