ClockThứ Hai, 05/08/2019 14:30

Không nhất thiết phô diễn hình thức

TTH - Sau những ngày hội lớp, hội khóa đầy sôi động, tiếc là vẫn đọng lại những “lăn tăn” rất đáng muộn phiền…

Học trò cũ về thăm lại trường xưa Quốc Học (ảnh minh họa)

Dạo gần đây, hội lớp, hội khoa bỗng rộ lên khá rộn ràng. Lớp này lớp kia, khóa này khóa kia của trường này trường kia “đua nhau” hội. Mươi hoặc mấy mươi năm chia tay nhau, nay trở về gặp nhau dưới mái nhà xưa, gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui và ý nghĩa lắm chứ. Thế cho nên hầu hết mọi người ai cũng háo hức thu xếp tham gia…

Nhưng rồi sau những ngày hội lớp, hội khóa đầy sôi động ấy, đáng tiếc là vẫn đọng lại những “lăn tăn” rất đáng muộn phiền. Biết tôi cũng là một trong những gã “đầu têu tích cực” cho chuyện hội lớp nên cậu em họ sau ngày hội khóa đã sang nhà tôi chơi để trải lòng và… chia sẻ kinh nghiệm. Cậu bảo, rằng vui thì thật là vui, nhưng xem ra lấn cấn, ức chế cũng không ít. Học trò cấp 3, ra trường mỗi người mỗi lối rẽ. Có người học tiếp thành kỹ sư, bác sĩ; có người có năng lực và cơ hội đã thành quan chức hoặc doanh nghiệp thành đạt. Nhưng ngược lại, cũng có không ít người kém may mắn, không có điều kiện thì nay chỉ là anh, là chị công nhân, hoặc chạy chợ buôn thúng bán gánh, thợ xây thợ mộc, thậm chí cả xích lô, xe thồ… Vị trí xã hội khác nhau, tất nhiên khả năng kinh tài cũng khác nhau, cả tâm lý, ứng xử cũng khác nhau. Thế mà, để chuẩn bị hội lớp, có nhóm xây dựng chương trình hoành tráng rôm rả rồi tính bình quân đầu người mà thu kinh phí. Cái lý được đưa ra là “mấy chục năm, đóng chừng ấy tiền chẳng lẽ than nghèo?”. Hẳn là sẽ không ai (dám) than, nhưng mà quả thực, với những trường hợp khó khăn thì móc túi đóng một lúc dăm bảy trăm ngàn, triệu bạc là không hề đơn giản. Không dự cũng dở mà dự thì kẹt. Ngược lại, lại có lớp, có khóa có đại gia tài trợ, thuê dựng rạp, sân khấu, âm thanh ánh sáng, dàn ca sĩ chuyên nghiệp rầm rộ. Kinh phí cho những phần ấy lên tới cả trăm triệu. Tổ chức thì như nặng lễ nghi, nào là văn nghệ chào mừng, diễn văn, đáp từ, tặng quà thầy cô… Người dự phải ngồi xem, ngồi nghe rất lâu và rất… chán. Hết xôi rồi việc, đôi lúc chẳng đọng được gì, lại cảm giác lãng phí.

“Em nghĩ tổ chức gặp mặt nên đơn giản mà thực chất, ấm áp. Không cần phải phô diễn hình thức làm gì, chỉ thêm tốn kém. Thà dành số tiền ấy mà trao học bổng, giúp cho các trường hợp ngặt nghèo, bệnh tật lại ý nghĩa hơn…”- Cậu em họ bày tỏ. Tôi lắng nghe và hết sức đồng tình. Đó cũng chính là cách mà lớp chúng tôi lựa chọn để tổ chức hội lớp lần đầu tiên sau ¼ thế kỷ kể từ lúc ra trường cách đây gần chục năm. Và cũng sau lần ấy, theo gợi ý và cũng là mong muốn của thầy giáo chủ nhiệm, năm nào chúng tôi cũng tổ chức gặp mặt như vậy, nhẹ nhàng, đầm ấm và trong tinh thần chia sẻ. Lớp cũng hội ý toàn thể và tổ chức đóng quỹ hàng năm với mức đóng mà ai cũng có thể tham gia, ngoài ra sẵn lòng tiếp nhận sự ủng hộ từ một số bạn có điều kiện tự nguyện tham gia thêm. Quỹ đó giao cho một thủ quỹ được lớp tín nhiệm đề cử, có sổ sách, thu chi rõ ràng và chỉ sử dụng vào một số việc: Tặng sách vở hàng năm cho con em các thành viên trong lớp có hoàn cảnh khó khăn; thăm viếng hiếu sự; hỗ trợ những trường hợp gặp sự cố không may đột xuất… Không dám khẳng định cách làm của lớp chúng tôi là hay. Nhưng nó vừa phải so với sức vóc của lớp. Và đặc biệt là nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt thành của tất cả mọi thành viên. Có lẽ cũng chính vì vậy mà hàng năm lớp chúng tôi vẫn duy trì được việc gặp mặt, đơn giản thôi, nhưng bao giờ cũng ấm áp, đông vui...

Bài, ảnh: Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Không nhất thiết cho con “đua” vào trường điểm

Một cô giáo dạy lớp 4 kể rằng, có quá nhiều phụ huynh cho con học luyện thi để tham gia kiểm tra đánh giá năng lực vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương, trong khi sức học của các em ở mức trung bình. Hệ lụy của việc học nhiều khiến học sinh mệt mỏi, lên lớp cứ ngủ gật, không tiếp thu được bài học.

Không nhất thiết cho con “đua” vào trường điểm
Linh hoạt các hình thức tuyên truyền

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực của mỗi cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH huyện Phong Điền đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu giao; trong đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 99,1% dân số, BHXH tự nguyện đạt gần 3,5% lực lượng lao động.

Linh hoạt các hình thức tuyên truyền
Đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn xã hội, nhất là đối với học sinh có vai trò hết sức quan trọng, nhằm trang bị cho các em có cả ý thức và kiến thức thượng tôn pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trên địa bàn huyện A Lưới luôn có sự quan tâm, chung tay thực hiện nghiêm túc của các lực lượng và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh
Return to top