“Chúng em gặp nhau từ cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh năm 2018 và phát hiện ra giữa hai đứa có chung niềm đam mê với nghiên cứu thiên văn học. Em và Khang say sưa trao đổi về thế giới vũ trụ đầy kỳ bí, cùng tham gia nhiều diễn đàn về khoa học nước ngoài trên mạng internet”, Huy hào hứng kể.
Với đề tài “Hệ quan sát giao thoa Nirvana”, Khang và Huy đạt giải nhất cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật - Intel ViSEF dành cho học sinh trung học toàn tỉnh năm học 2018 – 2019
Một lần nọ, trong diễn đàn có bàn luận về các vấn đề tạo ra một hệ thống có khả năng đo lường và quan trắc cực kỳ chính xác. Tuy vậy, chưa có ai đưa ra một hệ thống lý tưởng với chi phí thấp, tính ứng dụng cao. Hai bạn cảm thấy đây là điều đáng tìm hiểu nên cùng nhau bắt tay mày mò, nghiên cứu. Bắt đầu với việc đi sâu tìm hiểu khả năng của mắt (chủ yếu là mắt động vật, côn trùng), trên cơ sở vận dụng khoa học sinh học, từ đó, hai bạn tự tìm được đáp án cho nhiều câu hỏi trong diễn đàn đưa ra, đồng thời còn giải quyết được nhiều hơn khi không chỉ quan sát, đo lường mà có thể ứng dụng vào các lĩnh vực khác với chi phí thấp, cấu tạo không quá phức tạo.
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu, hai bạn cho biết đã gặp khó ở những công đoạn về cơ khí và đối với vật kính phải đặt tại Hà Nội làm gửi vào. Ngoài ra, Khang và Huy tận dụng những vật dụng có giá thành rẻ để thực hiện. Huy bộc bạch: “Vì còn đi học nên thời gian để chúng em có thể “toàn tâm toàn ý” thực hiện đam mê còn hạn chế. Và, từ ý tưởng đến mô hình và cách thực hiện là khá xa nhau, chúng em đã vấp phải nhiều khó khăn hơn dự kiến”. Dù vậy, mỗi lần “gỡ khó” là mỗi lần các bạn vỡ òa trong niềm hạnh phúc và mỗi bước tiến đến gần hơn với “đứa con tinh thần” khiến các bạn thêm say mê và hăng hái.
Khang cho biết: “Hệ quan sát giao thoa Nirvana được thiết kế dựa trên sự giao thoa hình ảnh (quang học và kỹ thuật số) của hệ 10 kính thiên văn khúc xạ trên bộ chuyển động 4 trục trên 2 hệ tọa độ không gian: Hệ tọa độ xích đạo thiên cầu và hệ tọa độ đường chân trời, giúp tăng tính linh hoạt và chính xác. Đồng thời đưa ra những ứng dụng vượt trội nhờ vào khả năng của sự đa nhiệm trên nhiều khía cạnh của việc kết hợp nhiều kính viễn vọng nhỏ, điều mà hệ đơn kính không thể làm được”. Cũng theo các bạn, từ đó tối ưu hơn, khả năng cao hơn của hệ kính khác về tính đơn nhiệm, cũng như khả năng quan sát cao, phân tích và ứng dụng rộng rãi hơn, trên các thiên thể có độ sáng bề mặt thấp và trên cả nhiều lĩnh vực khác liên quan như thiên văn, hàng hải, quân sự, quan trắc, kiến trúc.
Thầy Tiến Anh, giáo viên chuyên lý Trường THPT chuyên Quốc Học, giáo viên hướng dẫn đề tài, nhận xét: “Khang và Huy học giỏi môn lý và có niềm đam mê khoa học. Riêng em Khang, trong năm học trước đã cùng với một bạn nữa nghiên cứu đề tài “Máy điều hòa theo nguyên lý chân không và tạo lốc xoáy” đạt giải nhất cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn tỉnh năm học 2017 – 2018 và giải nhì cấp Quốc gia. Những đề tài nghiên cứu được thực hiện ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường tạo tiền đề và động lực rất lớn cho các em học sinh yêu thích khoa học, kỹ thuật”.
Bài, ảnh: Phước Ly