ClockThứ Sáu, 06/09/2024 15:36

Học cách thoát... nghèo

TTH - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) TP. Huế đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề; qua đó giúp người nghèo có nghề nghiệp nhằm cải thiện kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV).

Đồng bộ các giải pháp để thoát nghèo bền vữngCùng người có công vượt khó, thoát nghèoChung tay giảm nghèo

 Học viên tham gia khóa đào tạo điện dân dụng

Trao “cần câu”

Sau 3 tháng tham gia lớp đào tạo nghề tại xã Hương Phong (TP. Huế) do Trung tâm GDNN - GDTX TP. Huế tổ chức, hiện 21 học viên là người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã hoàn thành khóa học và tự trang bị cho mình kỹ năng trong chăn nuôi và phòng bệnh cho lợn, gà. Quá trình học, các học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, nguyên liệu thực hành và tặng con giống chăn nuôi để ứng dụng vào thực tiễn tại địa phương.

Giúp người dân trong độ tuổi lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nắm bắt các kỹ thuật chế biến món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), mới đây, Trung tâm GDNN - GDTX thành phố tổ chức nhiều khóa đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn và VSATTP tại các phường Thủy Xuân, Gia Hội, Hương Vinh…, thu hút hàng chục học viên tham gia. Theo chị Thu Thủy, ở phường Gia Hội, nhờ tham gia khóa đào tạo chế biến món ăn, được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề nên sau khóa học, chị được nhận vào làm việc ở một nhà hàng chuyên phục vụ các tiệc cưới, hỏi nên giờ đây có công việc phù hợp và cho thu nhập ổn định.

Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX TP. Huế, ông Lê Trần Việt Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay Trung tâm đã tổ chức chiêu sinh và mở 14 lớp đào tạo nghề, trong đó có 11 lớp chế biến món ăn và VSATTP, 3 lớp điêu khắc gỗ, điện dân dụng, kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh lợn gà. Các khóa học thuộc chương trình mục tiêu quốc gia GNBV giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho bà con, góp phần tạo việc làm bền vững để thoát nghèo, thực hiện mục tiêu GNBV. Để tạo điều kiện cho các học viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo, Trung tâm phối hợp với các địa phương tổ chức kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn nhằm tạo việc làm, giúp các hộ dân có việc làm ổn định, hướng tới thoát nghèo.

Kết nối việc làm

Theo ông Lê Trần Việt Sơn, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác đào tạo, song tỷ lệ tham gia học nghề của các đối tượng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia GNBV giai đoạn 2021 - 2025 còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều lao động quá tuổi so với quy định, một bộ phận khác thì thường xuyên đau ốm và dành nhiều thời gian cho việc đồng áng nên không có thời gian tham gia. Hơn nữa, định mức để đào tạo các ngành nghề còn thấp dẫn đến chi phí nguyên, vật liệu bị hạn chế nên chưa thực sự kích thích được việc yêu thích học tập của người học, đặc biệt là các ngành nghề dịch vụ. Ngoài ra, việc tuyển sinh và đào tạo khó triển khai ở các địa bàn có dân cư sinh sống rải rác, rất khó đặt địa điểm đào tạo ở những địa phương này.

Xác định GDNN đóng vai trò quan trọng đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vì đây  là 1 trong 3 trụ cột GNBV, thời gian tới Trung tâm tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với kết nối việc làm nhằm nâng cao tay nghề, kỹ năng. Qua đó, giúp người dân tìm được việc làm ổn định nhằm cải thiện kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Để người dân biết và tham gia học nghề, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thông qua các hình thức, như: Đăng tải thông tin trên trang web của Trung tâm, thông tin, tuyên truyền trong các hội nghị, cuộc họp, phát hành tờ rơi và băng rôn tuyên truyền về học nghề và việc làm. Đồng thời, phối hợp với UBND các phường, xã để tuyển sinh học nghề, đến tận các hộ dân để vận động tham gia học nghề và lựa chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu hiện có tại địa phương. Thông qua các khóa học, người dân không chỉ nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề, mà còn giúp cho người lao động thấy được sự cần thiết của việc tham gia học nghề trong việc cải thiện về đời sống để tích cực tham gia và tìm được việc làm sau mỗi khóa học.

Trung tâm cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đồng thời phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh đào tạo cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với nhiều ngành nghề, như kỹ thuật chế biến món ăn và VSATTP, điện dân dụng, kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh lợn gà, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa - cây cảnh, điêu khắc gỗ… nhằm tạo sự phong phú để thu hút người dân tham gia.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ông giảm nghèo” ở Hương Vân

Là cán bộ đầy nhiệt huyết trong công tác giúp dân thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, ông Trần Công Thuyên, công chức Văn hóa Xã hội ở phường Hương Vân (TX. Hương Trà) được bà con địa phương thương mến gọi với cái tên... “ông giảm nghèo”.

“Ông giảm nghèo” ở Hương Vân
Học mà chơi, chơi mà học

Là một trong những trường mầm non (MN) tư thục đóng trên địa bàn phường Phước Vĩnh, TP. Huế, Trường MN Bích Trúc trở thành nơi nuôi dạy, chăm sóc và giáo dục trẻ ngoài công lập đạt chất lượng và được phụ huynh tin tưởng gửi con em vào học.

Học mà chơi, chơi mà học
Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo

Với cách làm linh hoạt, hiệu quả, sát với tình hình thực tế, huyện Phú Lộc đang đưa các chính sách, mô hình thiết thực đến với hộ nghèo để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo
Tạo “kế” để thoát nghèo

Phường Thuận Lộc (TP. Huế) có 39 hộ nghèo, trong đó có nhiều người không có khả năng lao động vì khuyết tật, bệnh hiểm nghèo, người cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong việc thoát nghèo bền vững. Vì vậy, phường đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện lộ trình đến cuối năm 2024 giảm từ 15- 20 hộ nghèo.

Tạo “kế” để thoát nghèo
Chung sức giúp người dân thoát nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo tại xã miền núi Xuân Lộc, huyện Phú Lộc giảm, “về đích” sớm so với kế hoạch Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đằng sau niềm vui của nhiều gia đình thoát nghèo là sự chung sức, nỗ lực của các cấp ngành, chính quyền địa phươn, người dân cùng nhiều nhà hảo tâm.

Chung sức giúp người dân thoát nghèo

TIN MỚI

Return to top