ClockThứ Bảy, 22/10/2022 09:03

Hương trưởng làng Lương Văn làm khuyến học

TTH - Về làng Lương Văn (phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy), nghe các ông, các bác trong Hội đồng Hương trưởng bàn chuyện khuyến học và khuyến tài thật trân quý, cứ ngỡ là trách nhiệm xưa nay của làng vẫn rứa!

“Quả ngọt” từ khuyến học, khuyến tàiHọ Đoàn làng Mỹ Lợi làm khuyến học

 

Không trân quý sao được, làng Lương Văn có miếu Văn Thánh được xây dựng cách nay 400 năm. Xưa nay, hằng năm tại đây, làng chọn ngày 28/8 âm lịch làm lễ tế tưởng vọng đức Khổng Tử và cứ 3 năm một lần, tổ chức đại lễ. Bắt đầu từ năm 2012 đến nay, phong trào khuyến học hình thành, vào lễ tế hằng năm, làng đều kết hợp tổ chức lễ báo công, phát thưởng cho học sinh thi đỗ vào đại học. Như năm 2022 này, lễ tế được làng tổ chức từ 6 giờ đến 8 giờ sáng. Sau đó là đến ngay phần tổ chức lễ báo công và tuyên dương được tổ chức rất trang trọng.

Làng Lương Văn có 34 họ, trong đó có 6 họ lớn (Hoàng, Võ, Dương, Phạm, Trần, Nguyễn) có sắc phong của triều đình. Các họ này họp thành Hội đồng Hương trưởng làng Lương Văn và làm nòng cốt trong phong trào khuyến học của làng. Thời nào cũng thế, sự học luôn được xã hội coi trọng, người tài luôn được xã hội đề cao. Hội Khuyến học làng Lương Văn ra đời cũng không nằm ngoài mục đích ấy, nhằm động viên, khích lệ tinh thần ham học của con em trong làng và các họ tộc. Ở bên dưới làng, các họ tộc cũng có ban khuyến học.

Hội Khuyến học làng Lương Văn tự hào hiện có 100 triệu đồng tiền gửi vào ngân hàng để chuyên lo khuyến học, khuyến tài. Năm 2022 này, số dư tiền gửi ngân hàng để làm khuyến học của nhiều họ tộc cũng thật đáng nể. Sáu họ tộc trong Hội đồng Hương trưởng nhiều như họ Phạm có đến 65 triệu đồng và ít như họ Dương cũng được 12 triệu đồng quỹ khuyến học.

Công đầu khuyến học của làng Lương Văn thuộc về ông Hoàng Trọng Tích, Trưởng làng kiêm trưởng tộc và các bậc hương trưởng. Tuổi cao sức yếu nhưng việc khuyến học các bậc hương trưởng không nề hà, luôn biết cách khơi dậy truyền thống hiếu học và tinh thần tôn sư trọng đạo, biết đa dạng hóa cách huy động góp quỹ hội và cũng luôn là những người gương mẫu, đi dầu.

Ở cái tuổi ngoài 80, ông Tích có thâm niên 20 năm làm trưởng làng và 12 năm lo chuyện khuyến học. Trong 4 năm qua, ông Hoàng Trọng Tích đã vận động được 2 họ trong làng là họ Nguyễn và Dương thành lập được Ban Khuyến học, vận động họ Phạm lần đầu tiên xây dựng được quỹ khuyến học. Còn để thể hiện vai trò đi đầu, được lên chức trưởng làng, chủ yếu là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như ông Tích không hề ngần ngại mà góp ngay vào quỹ khuyến học của làng 500.000 đồng theo quy định.

Hằng năm, làng Lương Văn đều dành số tiền lớn từ quỹ khuyến học chăm lo tế tự, tu sửa đình chùa… Năm 2017, làng chi gần 100 triệu đồng làm đền Võ Thánh, tu sửa miếu Văn Thánh… những công trình giáo dục - văn hóa mang tính biểu tượng của địa phương. Còn 12 năm qua, Hội Khuyến học làng Lương Văn đã phát thưởng cho 290 học sinh trong làng thi đỗ đại học với 82 triệu đồng; riêng năm 2022 này có đến 40 cháu. Học sinh làng Lương Văn ngày càng có nhiều người đỗ vào các trường đại học danh giá và thành đạt nhờ có phần động viên, cổ vũ từ quỹ khuyến học của làng và các họ tộc nơi đây.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Miền đất học An Truyền

Tính từ năm 1471, năm làng được chính thức thành lập theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông đến nay, làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang) đã có bề dày lịch sử hơn 500 năm.

Miền đất học An Truyền
Trao thưởng cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia

Chiều 25/4, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Quỹ Học bổng khuyến tài Nguyễn Chí Thanh, Sở Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Huế tổ chức trao thưởng cho học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Trao thưởng cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia
Return to top