Nghề nò chuôm ở Phú An
Với nguồn quỹ có từ “nò chuôm khuyến học” cộng với sự đóng góp của hội viên và vận động từ các gia đình hảo tâm cùng con dân trong thôn đi làm ăn xa, Chi hội Khuyến học thôn Định Cư đã có nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài phong phú và đa dạng, thực sự động viên và khuyến khích con em trong thôn vươn lên trong học tập và lao động. Hằng năm, Chi hội tổ chức phát thưởng cho học sinh trong thôn từ mầm non đến trung học phổ thông. Học sinh trúng tuyển đại học được thưởng 500.000đ. Riêng trong năm học 2018 - 2019, chi hội đã tặng quà và phát thưởng với số tiền lên tới 27 triệu đồng. Con em trong thôn Định Cư là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được chi hội cho mượn 3 triệu đồng để hỗ trợ học tập. Ba năm qua, chi hội cũng đã cấp phát 9 chiếc xe đạp cho học sinh phổ thông trung học có hoàn cảnh khó khăn, mỗi chiếc trị giá 1 triệu đồng.
Hoạt động của Chi hội Khuyến học thôn Định Cư gắn liền với 2 con người, một già và một trẻ, đó là bác Phan Việt và anh Nguyễn Hùng. Chi hội thành lập năm 2009 và bác Việt, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Phú An là chi hội trưởng đầu tiên. Gần đây, do tuổi cao và sức yếu, bác Việt xin nghỉ và bà con thôn Định Cư đã tín nhiệm bầu anh Hùng, một lao động giỏi, có trình độ học vấn cao, thường xuyên chăm lo công việc cộng đồng thay bác Việt. Với tinh thần “Ở đâu cần Hùng có; ở đâu khó Hùng giúp”, được sự trợ lực của bác Việt trong vai trò Bí thư chi bộ, họ thực sự là đôi bạn tâm giao, là "đầu tàu" cho các hoạt động khuyến học nơi đây.
Không chỉ ấn tượng với mô hình gây quỹ bằng “nò chuôm khuyến học”, thôn Định Cư còn có cách làm khuyến học sáng tạo khi năm học này, chi hội phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phú Vang mở lớp xóa mù và đã huy động được 21 học viên trong độ tuổi 25 - 50 đến lớp. Chi hội cũng đang chủ động lập kế hoạch và đề nghị Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phú Vang và UBND xã Phú An quan tâm mở các lớp hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, vệ sinh môi trường… Đây là hình thức học tập ngoài nhà trường phù hợp với hình thức tổ chức cho mọi người tham gia học tập suốt đời trong “xã hội học tập”.
Nhớ lại trước năm 1985, bà con thôn Định Cư nay quần cư trên phá Tam Giang, mưu sinh dựa vào đánh bắt tôm cá, cả nhà chen chúc trong chiếc thuyền nan, bữa đói bữa no, cuộc sống lênh đênh nay đây mai đó, phần lớn con em đều thất học. Sau khi cơn bão đi qua, bà con được định cư lên bờ. Tên thôn Định Cư như gợi nhớ về nguồn cội của hơn 1.600 con người nơi đây với thực tế đau lòng là đa số bà con ở độ tuổi 25 - 60 đều mù chữ. Khi mà cuộc sống ổn định và ngày càng khấm khá, diện mạo vùng đất từng bước đổi thay, người dân thôn Định Cư đã càng ý thức hơn giá trị của việc học trong cuộc sống và đó là động lực gieo mầm và thúc đẩy sự nghiệp khuyến học ở địa phương phát triển hôm nay.
Bài, ảnh: An Nhiên