ClockChủ Nhật, 22/12/2019 18:16

Thắp lên yêu thương từ lắng nghe, chia sẻ

TTH.VN - Từ ngày 11-21/12, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức TP.Hồ Chí Minh, CEO hệ thống trường Xanh Tuệ Đức) đã tặng 32 bài nói chuyện cùng sách và nhiều xuất học bổng "Nuôi dưỡng đạo đức mỗi ngày" trị giá 400 triệu đồng cho giáo viên, học sinh tại 32 trường học ở TP.Huế, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, Nam Đông, Hương Trà....

       TS.Nguyễn Thanh Tùng nói chuyện với 800 học sinh Trường THPT A Lưới sáng 21/12. Ảnh: Nguyễn Ngọc Toàn  

Nguồn kinh phí trao học bổng nói trên được huy động từ các mạnh thường quân là người Huế xa quê.

Nhận đỡ đầu 3 học sinh Trường THPT Hương Lâm

Nhận lời mời từ TS.Nguyễn Thanh Tùng, sáng sớm, chúng tôi rời Huế để đến A Lưới-chặng cuối trong chương trình tri ân Huế năm 2019 của ông. Ngoài số học bổng 50 triệu đồng, hành trang TS. Tùng mang theo là những thùng sách và cây đàn ghita...

8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại Trường THPT Hương Lâm, cách TP.Huế hơn 100km. Hơn 300 học sinh của trường cùng các thầy cô giáo đã chờ sẵn, đón sự trở về của thầy Tùng. Nhận lời mời từ thầy hiệu trưởng, đây là lần thứ 3 ông đến với học sinh Hương Lâm.

Tại đây, ông đã dành hơn 5 tiếng đồng hồ để nói với học sinh chuyện định hướng nghề nghiệp; hậu quả của hôn nhân sớm; tình yêu học đường... với nhiều kiến thức được truyền thụ từ những câu chuyện thực tế, dễ hiểu, dí dỏm.

Buổi nói chuyện ‘‘nóng lên” với phần học sinh đặt câu hỏi và được tặng sách. Từ sự động viên, khích lệ của TS.Tùng, những góc khuất trong lòng các em được thổ lộ. Có em không biết mình làm gì khi bố mẹ nói, mày là con gái, học nhiều làm gì, lấy chồng đi. Có em không hiểu tại sao mình muốn làm họa sĩ nhưng ba mẹ lại phản đối. Có em cảm thấy bế tắc, khi muốn học xong, sang Nhật lao động nhưng cha mẹ lại bắt phải học ngoại ngữ. Có em mang trong lòng nỗi đau khi cha mẹ ly hôn…

             "Phiêu" với những bài hát gửi đến các em học sinh Trường THPT Hương Lâm sáng 20/12. Ảnh: K.O  

Những tình huống khó khăn ấy dần được TS.Tùng lần gỡ cho các em, bằng những lời khuyên, bằng sự vỗ về. Trong cái ôm chặt che chở như một người cha của ông, những đôi vai nhỏ bé của các em rung lên, vỡ òa dòng nước mắt ẩn sâu…     

“Ở tuổi mới lớn, các em gặp rất nhiều vấn đề về tâm sinh lý, việc chọn nghề, áp lực từ gia  đình, người lớn... Nếu những góc khuất ấy không được thổ lộ, rỡ gối, chỉ cho các em một hướng đi thì có thể dẫn đến những hậu quả khó lường ”, TS.Tùng giải bày.

Thầy Lê Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Lâm chia sẻ: Trường ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống các em còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đây là lần thứ 3 chúng tôi mời thầy Tùng về nói chuyện. Mỗi lần thầy trở về, chúng tôi hiểu thêm học sinh của mình. Các em thì vui hơn, ngoan hơn nhờ sự động viên, khích lệ”.

Ngoài tặng sách và trao 10 suất học bổng cho học sinh chăm ngoan, TS. Tùng đã nhận đỡ đầu 3 học sinh Trường THPT Hương Lâm có hoàn cảnh khó khăn, để các em có thể vượt qua, thực hiện ước mơ đời mình.

Niềm vui đến với hai học sinh mắc bệnh hiểm nghèo

Rời xã Hương Lâm lúc 1 giờ chiều, sau cơm trưa vội vàng, chúng tôi lại cùng TS.Tùng đến Trường THCS Quang Trung ở xã Hồng Quảng, nơi ông có buổi nói chuyện với gần 300 học sinh.

Cách đây 2 năm, biết chương trình tri ân Huế của TS.Tùng, cô Hiệu Trưởng Trường THCS Quang Trung đã kết nối, mời ông về. Nay, lời hứa hai năm trước được TS.Tùng thực hiện.

“Trường có 288 học sinh ở 3 xã Nhâm, Hồng Quảng, Hồng Thái, hầu hết là con em các gia đình nghèo Tà ôi, Cơ tu... Nhiều em không có dép, áo ấm đi học nên thầy cô trong trường góp tiền mua. Bốn học sinh khó khăn đang được các thầy cô nhận làm con  nuôi....”, cô hiệu trưởng chia sẻ.

Trao quà cho em A Viết Thị Kim Kiêu và Hộ Thị Kim Tuyến mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh: K.O  

Về trường, TS.Tùng nói chuyện với các em một chủ đề khó nói, ngay cả với học  sinh thành phố: Giáo dục sức khỏe sinh sản. Những gợi mở hài hước, không né tránh của ông khiến các em cười không ngớt. Những khúc mắc cũng là sự dằn vặt của những đứa trẻ về tâm sinh lý tuổi dậy thì không biết chia sẻ cùng ai vì bố mẹ suốt ngày bận lên nương đã được sáng rõ. 

Cuối buổi nói chuyện, TS.Tùng ôm ghi-ta, tặng cho các em những bài hát. Cạnh ông là em A Viết Thị Kim Kiêu, học sinh lớp 7/1, mắc bệnh hiểm nghèo, vừa qua đợt điều trị. “Nhà nghèo, lại xa trường, đi học vất vả nhưng Kiều học rất giỏi, lại hát hay, chăm ngoan. Mỗi lần từ bệnh viện về, dù rất yếu nhưng em đi học ngay”, cô giáo chủ nhiệm Phan Thị Phượng xúc động.  

Trong buổi chiều muộn ở xã biên giới Hồng Quảng, lời bài “Bụi phấn” ngân vang của Kiêu hòa với tiếng ghi-ta dội vào lòng chúng tôi cảm xúc thật khó tả. Cùng với Kiêu, em Hồ Thị Kim Tuyến là hai học sinh mắc bệnh hiểm nghèo của trường, được TS.Tùng trao hai suất quà, mỗi em 3 triệu đồng. Đó là nguồn động viên lớn để các em vượt qua khó khăn. Niềm lạc quan, nghị lực vượt khó của các em cũng được thắp lên ở ngôi trường xa xôi này.

Đừng tạo áp lực cho các em  

TS.Nguyễn Thanh Tùng cho hay, dù bận bịu công việc nhưng đây là năm thứ 5 ông về Huế, tự nguyện thực hiện các buổi nói chuyện, trao quà, tặng sách và học bổng cho học sinh, giáo viên. Có những nơi ông đến nói chuyện nhiều lần như Trường THCS Tố Hữu (huyện Quảng Điền). Ông cũng đã nhận đỡ đầu cho nhiều học sinh khó khăn sau mỗi chuyến đi.  

                Khoảnh khắc đáng nhớ của cô và trò Trường THCS Quang Trung (xã Hồng Quảng) cùng TS. Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: K.O    

“Ở những nơi khó khăn, các em không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc. Còn nhiều vấn đề khác cần được lắng nghe, chia sẻ, định hướng”, TS.Tùng nói.

Điều mà ông trăn trở là rất nhiều học sinh ở hàng trăm ngôi trường ông đến, thường có chung một vấn đề: Chịu áp lực quá lớn từ mong cầu của cha mẹ. “Phụ huynh luôn mong muốn con phải thế này, thế kia, phải trở thành bác sĩ, công an, phải học ngành gì dễ xin việc, kiếm được nhiều tiền. Cha mẹ không quan tâm con mình muốn gì, yêu thích điều gì. Họ cũng đòi hỏi con phải hoàn hảo, trong khi mình lại không làm gương... Các em vì thế bị áp lực, mất lòng tin, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc”, TS. Tùng bày tỏ.

Góp phần tạo sự thay đổi từ nhà trường, phụ huynh về áp lực thành tích, thi cử... là một trong những mong ước của TS.Tùng. Bắt đầu từ sự lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ..., rất nhiều tiếng cười, hy vọng và yêu thương đã được thắp lên, ở những ngôi trường, bản làng mà ông đã đến...

  Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi đi những ước mơ

Bằng tình cảm đặc biệt dành cho quê nhà, hành trình phụng sự giáo dục của TS.Nguyễn Thanh Tùng (từ 15-21/4/2022) đã dừng lại ở nhiều ngôi trường của Huế mà giờ đây, đã quá đỗi thân thương với ông.

Khởi đi những ước mơ
Lời tự tình của TS.Nguyễn Thanh Tùng với quê nhà

Gia đình TS.Nguyễn Thanh Tùng đã có chuyến trở về quê hương bằng đêm nhạc gia đình mang tên “Huế thu nhỏ giữa lòng Cố đô”. Đêm nhạc mở đầu cho chuỗi chương trình hỗ trợ giáo dục và doanh nghiệp của TS.Tùng tại Huế, từ 6-13/12.

Lời tự tình của TS Nguyễn Thanh Tùng với quê nhà
Return to top