ClockThứ Ba, 02/12/2014 10:19

Kỹ năng sống cho trẻ

TTH - Việc con trẻ bây giờ có những điểm vượt trội bố mẹ cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, khả năng tự chủ và thích ứng với xung quanh của các cháu, nói cách khác là kỹ năng sống thì chưa hẳn. Do đó, dạy kỹ năng sống cho trẻ là điều rất cần được các bậc cha mẹ quan tâm coi trọng.

Phải nói ngay, con trẻ ngày nay thích ứng nhanh với điện tử, công nghệ thông tin, kỹ thuật số. Máy vi tính, ti vi, điện thoại di động…cứ đưa cho người trẻ mày mò một lúc là sử dụng được ngay, thậm chí có thể khắc phục những hư hỏng thông thường. Tuy nhiên, những việc đơn giản như quét nhà, giặt đồ, gói buộc đồ đạc, làm những món ăn thông thường thì chưa chắc cháu nào cũng biết. Dù được học nhiều kiến thức trong sách vở nhưng nhiều cháu vẫn không thể phân biệt các sinh vật, đồ đạc quen thuộc xung quanh; vận dụng kiến thức đã học vào thực tế thì lúng túng. Từ chỗ không quen lao động chân tay nên trẻ thường ỷ lại bố mẹ, thiếu tự tin tự lập. Nếu tình trạng này không sớm khắc phục, khi vào đời các cháu gặp rất nhiều khó khăn, sờ vào việc gì cũng lóng ngóng, trong khi bố mẹ không thể mãi “cầm tay dắt qua đường”. Tất nhiên, làm việc nhà chỉ là một phần trong kỹ năng sống; để trẻ tự tin bước vào đời, rất cần được rèn luyện cách đối nhân xử thế, cách ứng phó các tình huống để thích nghi và tự chủ trong môi trường tự nhiên xã hội.

Sự hạn chế về kỹ năng sống của trẻ thời nay có nhiều nguyên nhân. Trước hết, sức ép học tập với các cháu quá lớn, đến thời gian nghỉ ngơi còn kẹt thì lấy đâu rảnh rỗi để giúp bố mẹ làm việc nhà, qua đó quen dần lao động chân tay. Đã thế, cha mẹ thường làm thay để con có thời gian thoải mái, tập trung việc học. Và nữa, các gia đình ngày nay ít con nên bố mẹ cưng chiều, dành cho con sự chăm sóc chu đáo, thành ra các cháu ít có điều kiện tự lực cánh sinh. Điều này càng thể hiện rõ ở các gia đình khá giả, ở thành phố. Cùng với đó, nhiều trẻ bị cuốn hút vào các trò chơi ảo, lười lao động chân tay nên xa rời thực hành, ít có điều kiện rèn luyện kỹ năng sống.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ, trước hết cần kiên trì. Bởi có những việc đơn giản nhưng trẻ không hay làm nên rất lúng túng, những lần đầu chưa thành thục được ngay. Nếu cha mẹ nôn nóng, thấy con làm không vừa ý nên làm thay hoặc la mắng sẽ không khuyến khích trẻ tự làm. Và nữa, cha mẹ cũng nên kiên quyết; những yêu cầu đưa ra buộc trẻ làm cho được; nếu không được, cần tỏ thái độ nghiêm khắc. Khi đã thành quen, trẻ sẽ tự giác làm những việc đã được chỉ bảo.
Dạy kỹ năng sống cho con không dễ nhưng đây là việc cần thiết nên không thể coi nhẹ.
Nguyễn Cảnh Tường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bắc cầu giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào

Cầu nối về văn hóa được Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế vừa mới “bắc nhịp” khi cùng đối tác phối hợp tổ chức các triển lãm mỹ thuật trên hai đất nước Việt Nam và Lào.

Bắc cầu giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào
Cổ phục & học đường

Từ tình yêu dành cho trang phục truyền thống, Trịnh Thị Khánh Linh và Nguyễn Lê Vĩnh Khang, học sinh lớp 9, Trường THCS Chu Văn An mày mò nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp khả thi để lan tỏa cổ phục trong đời sống đương đại, đưa cổ phục đến gần hơn với các bạn học sinh.

Cổ phục  học đường
Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều học sinh cuối cấp đã gác lại kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi để tập trung ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây cũng là dịp phụ huynh có thời gian rảnh để đồng hành cùng con.

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

TIN MỚI

Return to top