ClockChủ Nhật, 22/05/2022 18:02

Kỹ năng sống - điểm tựa vững chắc cho học sinh

TTH.VN - “Hơn 70% thành công của đời người không liên quan đến vấn đề chuyên môn mà liên quan tới kỹ năng sống”.

Tổ chức chuỗi chương trình “Học sinh Huế với tương lai”Hơn 300 đầu sách cho học sinh mượn đọc ngày hèHương Thủy: Lan tỏa văn hóa đọc ở vùng sâu, vùng xa và khó khănGiáo dục kỹ năng gia chánh cho học sinhChú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh

Những phút giây lắng đọng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ (phải) đánh giá buổi diễn thuyết của diễn giả Nguyễn Thành Nhân rất bổ ích, thiết thực

Trong ngày 22/5, tại Trường THPT Hương Thủy (TX. Hương Thủy), diễn giả Nguyễn Thành Nhân, Cố vấn cao cấp Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương đến từ TP. Hồ Chí Minh 2 có buổi giao lưu, chia sẻ những kỹ năng sống với gần 2.500 học sinh THCS, THPT và phụ huynh, giáo viên trên địa bàn TX. Hương Thủy. Đây là hoạt động ngoại khóa do UBND TX. Hương Thủy phối hợp Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã tổ chức. Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến dự.

Qua 2 chủ đề: “Ba trách nhiệm” của học sinh (trách nhiệm với chính mình, trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm với gia đình) và “Ứng xử” dành cho lứa tuổi THPT và THCS, bằng khả năng nói chuyện lưu loát, hùng biện sắc sảo cùng hàng loạt câu chuyện giàu cảm xúc về tình cha mẹ và con cái, tình thầy trò, bạn bè…, diễn giả Nguyễn Thành Nhân không ít lần khiến không khí buổi giao lưu lắng lại.

Với nhiều người có mặt, sự lắng lại này là để chiêm nghiệm, nhưng cũng có những người, khoảnh khắc đó, phút giây đó là như bừng tỉnh để tự hứa phải thay đổi để sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội và cả với bản thân.

“Hơn 70% thành công của đời người, không liên quan đến vấn đề chuyên môn mà liên quan tới kỹ năng sống. Đứng trước mọi khó khăn đừng nên bỏ cuộc mà hãy cố gắng thêm chút nữa rồi thành công sẽ đến với mình. Và một khi giữa gia đình, nhà trường và học sinh càng hiểu nhau, việc dạy cách làm người, dạy chữ cho các em trở nên thuận lợi hơn rất nhiều”, diễn giả Nguyễn Thành Nhân đưa ra lời khuyên.

“Từ những chia sẻ của thầy Nguyễn Thành Nhân, bản thân em cần suy ngẫm nhiều hơn về hành động, lời nói, nhận thức của mình cũng như những giá trị tình cảm từ gia đình, bạn bè, thầy cô... Em tin, đây là điểm tựa để giúp em có thể vững bước trong hành trình phía trước”, Võ Nguyễn Thúy Hà, học sinh lớp 11B2 Trường THPT Phú Bài chia sẻ.

Sau buổi giao lưu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá, đây là buổi nói chuyện, chia sẻ kiến thức, kỹ năng rất bổ ích, thiết thực không chỉ riêng với học sinh mà còn với giáo viên, phụ huynh. Thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ có nhiều hơn những buổi giao lưu, chia sẻ như thế này tại các trường học trên địa bàn tỉnh để giúp học sinh có thêm điểm tựa vững chắc trong hành trình phía trước.

Tăng sự cộng hưởng

Diễn giả Nguyễn Thành Nhân tương tác với học sinh Hương Thủy tại buổi giao lưu

Học sinh luôn rất cần các kỹ năng sống. Không chỉ giúp định hướng nghề nghiệp, có cơ hội thành công trong tương lai, mà trước mắt, những kỹ năng này sẽ giúp các em tránh được nhiều chuyện đáng tiếc nếu không may gặp phải vấn đề tiêu cực, bế tắc trong cuộc sống, trong học tập.

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Hương Thủy mà cả toàn tỉnh, hiện số trường học có phòng tư vấn tâm lý bao gồm giáo viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách là rất ít. Những giáo viên được phân công chưa hẳn có đủ kiến thức, trình độ để cùng chia sẻ, giúp học sinh giải quyết được những bế tắc như những chuyên gia trong lĩnh vực này.

Theo diễn giả Nguyễn Thành Nhân, chính quyền, ngành Giáo dục Thừa Thiên Huế nói chung, TX. Hương Thủy nói riêng cần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng xã hội cho giáo viên và các buổi chuyên sâu cho giáo viên chuyên trách về tâm lý học sinh. Bởi khi bế tắc, học sinh cần những người tại chỗ hơn là những chuyên gia từ xa. Và ở đường dài, cần có chính sách bài bản trong đào tạo nguồn nhân lực về tư vấn kỹ năng xã hội ngay trong trường học.

Nhưng, giúp đỡ, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh không chỉ là câu chuyện của nhà trường, của ngành giáo dục hay của chính quyền mà chủ yếu vẫn từ phía gia đình. Bởi suy cho cùng, phụ huynh mới là người gần gũi, hiểu con em mình nhất, từ đó sẻ chia, giúp đỡ con em mình. “Trên thực tế, phụ huynh Việt Nam hiện nay hầu hết không phân biệt được giữa dạy dỗ và giúp đỡ. Trong khi đó, dạy dỗ chỉ phù hợp với lứa tuổi tiểu học, còn với lứa tuổi THCS, THPT, giúp đỡ mới là điều các em cần nhất”, diễn giả Nguyễn Thành Nhân chia sẻ.

“Nhiều mâu thuẫn xuất phát từ trong gia đình khiến một số học sinh tìm đến mạng xã hội nhờ tư vấn, nhưng tư vấn đa phần rất đại trà, nhiều khi không hiệu quả, rất dễ khiến học sinh chán nản, nảy sinh ý nghĩ tiêu cực, thậm chí có em dại dột đánh mất mạng sống của mình. Vậy nên, bản thân phụ huynh cũng cần phải thấu hiểu và trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để cộng hưởng với nhà trường, xã hội trong việc giúp chia sẻ, đỡ con em mình”, diễn giả Nguyễn Thành Nhân nói.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

TIN MỚI

Return to top