Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu - Hoàng Thị Thủy mong thành phố đưa chương trình dạy học gắn với di sản Huế vào chương trình đào tạo.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục- Đào tạo TP. Huế, thành phố hiện có 31 trường mầm non công lập, 15 trường mầm non ngoài công lập và 151 cơ sở đọc lập; 35 trường tiểu học và 24 trường THCS. Thời gian qua, ngoài việc chú trọng chất lượng giáo dục, thành phố quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất, nghiên cứu khoa học, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cho các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo một số trường học trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, đề xuất với Bí thư Thành ủy - Phan Thiên Định xung quanh các vấn đề dạy học với di sản Huế, trong đó cần xây dựng nguồn tư liệu cho học sinh tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Huế; duy trì các câu lạc bộ thể dục thể thao, âm nhạc, câu lạc bộ đọc sách cho các học sinh tham gia. Các trường cũng đề xuất thành phố có kế hoạch tập huấn cho giáo viên về di sản văn hóa Huế, mở rộng quỹ đất cho các trường đầu tư xây dựng sân chơi bãi tập cho học sinh, đầu tư trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập tạo sân chơi cho học sinh khuyết tật, đầu tư hệ thống máy vi tính thực hành...
Tạo thêm nhiều sân chơi, hội thi để các học sinh rèn luyện kỹ năng sống và phát triển tư duy là những đề xuất của lãnh đạo các trường học
Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định cho rằng, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam, bao gồm cả những giá trị nhân văn to lớn. Là đô thị trung tâm, TP. Huế đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu trên và mỗi cô giáo, thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn TP. Huế là một nhân tố quan trọng tạo nên kết quả đó.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, ngành giáo dục phải tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng về giáo dục đạo đức, lối sống và bản sắc văn hóa Huế cho học sinh. Ngoài việc trang bị cho các em về kiến thức, các thầy giáo, cô giáo sẽ là người truyền đạt, bồi đắp, giúp các em có trái tim nhân ái và giàu lòng vị tha. Thời gian tới, ngành giáo dục cần đổi mới phương thức giáo dục, tập trung các nội dung liên quan đến giáo dục đạo đức, văn hóa Huế, lịch sử Huế, âm nhạc, thể thao, kỹ năng sống... cho học sinh và tạo thêm nhiều sân chơi để các em phát triển toàn diện. Phòng Giáo dục thành phố cần thống kê các câu lạc bộ để định hướng trong việc tạo liên kết giữa các trường, có sự hỗ trợ từ phía các tổ chức chuyên nghiệp nhằm tạo thêm các câu lạc bộ cho các em có sân chơi, không gian đọc sách hay tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao phù hợp với lứa tuổi.
Tin, ảnh: Thanh Hương