|
Học sinh tìm hiểu về giới tính trong sách Khoa học tự nhiên lớp 8. Ảnh: Minh Anh |
Hiện nay, tỷ lệ mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên vẫn đang có xu hướng ngày càng tăng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 44 trong số 1.000 trẻ được sinh ra trên thế giới từ các bà mẹ tuổi vị thành niên (từ 15 - 19 tuổi). Ở các nước đang phát triển, có ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm ở những trẻ nữ vị thành niên.
Qua tìm hiểu, ở Bệnh viện Trung ương Huế mỗi năm cũng có trên dưới 50 trường hợp sinh con ở tuổi vị thành niên, trường hợp sinh con trẻ nhất gần đây là ở tuổi 15. Trên thực tế, nhiều lời cảnh tỉnh đã đưa ra, nhiều giải pháp đã thực hiện, nhưng tình trạng mang thai và làm mẹ ở tuổi “teen” vẫn xảy ra.
Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, có thể nói, hiện nay, xu hướng yêu đương và quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên diễn ra quá sớm. Em Võ Trần Minh Th., một học sinh lớp 11 cho rằng: “Do các bạn bị ảnh hưởng nhiều bởi những câu chuyện ngôn tình, những phim ảnh người lớn mà thiếu sự quản lý, kiểm soát của bố mẹ. Hơn nữa, các bạn hầu như rất ít được người lớn hướng dẫn hay chia sẻ những kiến thức nhạy cảm này, các tiết học về biện pháp bảo vệ bản thân, về giới tính, về sức khỏe sinh sản... chưa được chú trọng trong chương trình học. Chính vì vậy mà rất nhiều bạn gái còn nhỏ nhưng chỉ vì phút lầm lỡ, thỏa mãn tính hiếu kỳ, tò mò của bản thân mà làm ảnh hưởng cả cuộc đời”. Cháu Hằng, một học sinh lớp 9 lại chia sẻ rằng: “Ở trường, các thầy cô chỉ dạy qua thôi, thầy cô không dạy cho chúng cháu hiểu hậu quả của việc có quan hệ tình dục không an toàn và mang thai ở tuổi mới lớn. Bố mẹ cháu cũng không dạy cho chúng cháu về những kiến thức này”. Chị Trần Thị Minh Ch., có 2 đứa con gái đang ở tuổi dậy thì cũng chia sẻ rằng: “Vợ chồng em rất ngại khi chia sẻ cho các con những kiến thức này, hơn nữa ngày xưa cha mẹ có dạy mình đâu. Bây giờ, các cháu được học ở trường, trông nhờ thầy cô dạy cho các cháu”.
Trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006, các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên hầu như chưa được đưa vào chương trình dạy học mà chủ yếu được tích hợp, lồng ghép trong bộ môn sinh học, giáo dục công dân. Trong chương trình GDPT 2018, những nội dung này có đưa vào môn khoa học tự nhiên ở bậc THCS, cụ thể là bài “Sinh sản ở người” (lớp 8) với các nội dung cơ bản như “thụ tinh và thụ thai”, “hiện tượng kinh nguyệt và các biện pháp tránh thai”. Bộ môn sinh học ở THPT, học sinh cũng được học về “một số ứng dụng về điều khiển sinh sản ở động vật và sinh đẻ có kế hoạch ở người; các biện pháp tránh thai…” (lớp 11). Tuy nhiên, khi học về những nội dung này, các em vẫn chưa được tìm hiểu sâu, chưa được cảnh báo về những hậu quả của việc mang thai sớm. Cho nên, các kiến thức về sức khỏe sinh sản ở các em còn hạn chế, nhất là ở học sinh cấp 2, dẫn tới tình trạng mang thai, nạo phá thai và sinh con ở độ tuổi này.
Việc sinh con ở tuổi vị thành niên để lại rất nhiều hệ lụy về sau cho các em. Không chỉ khiến các em phải nghỉ học, làm mẹ sớm mà quá trình quan hệ tình dục không an toàn còn làm cho các em dễ mắc nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: HIV/AISD, lậu, giang mai, sùi mào gà, viêm gan B, nhiễm HPV có nguy cơ gây ra ung thư cổ tử cung... Hoặc thậm chí dẫn đến tình trạng nạo phá thai ảnh hưởng sức khỏe, dễ dẫn đến nguy cơ tai biến sản khoa, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của các em sau này.
Chính vì vậy, cha mẹ, thầy cô giáo cần quan tâm trang bị cho các em những kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên để các em được bảo vệ và tự bảo vệ bản thân trong sự an toàn, tránh tình trạng làm mẹ ở tuổi còn "xanh non", vừa ảnh hưởng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần vừa ảnh hưởng đến tương lai tươi sáng của các em.