ClockThứ Ba, 28/05/2024 08:13

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Thời gian qua, khởi nghiệp đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, địa phương. Trong đó, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên là một chương trình có ý nghĩa khoa học và xã hội to lớn, là sân chơi trí tuệ rộng mở để khẳng định, tôn vinh sức sáng tạo, thành quả của học sinh, sinh viên.

Thừa Thiên Huế đoạt 2 giải Ba tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên

 Trao thưởng các dự án đoạt giải nhất Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục và đào tạo.

Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học góp phần phát triển và hình thành văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cả nước có gần 30% cơ sở giáo dục đại học hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của đơn vị, 90% trong số đó tham gia các mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học khác phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, bình quân mỗi cơ sở giáo dục đại học hợp tác với khoảng 60 doanh nghiệp trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu. Một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân lực, đặt hàng nhân lực chất lượng cao và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo. Có 60% trường đại học đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo; 50 cơ sở đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp...

Nhiều cơ sở giáo dục đại học như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Trường đại học Ngoại thương, Trường đại học Phenikaa... đã trở thành những địa chỉ tin cậy và ươm mầm mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp. Đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, có hơn 60% các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp.

Nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức các hoạt động dưới các hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hình thành các loại hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động khoa học...

Đáng chú ý, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên hằng năm luôn có nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Năm 2024, tại ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động như: Chuỗi các diễn đàn, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh; trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp tại các gian hàng; chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI; diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng; diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Trong đó, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” thu hút hàng trăm ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia. Em Nguyễn Thị Hoài Ni, lớp 12A8, Trường THPT Trần Văn Giàu, TP Hồ Chí Minh cho biết, cuộc thi mang đến cho học sinh, sinh viên trải nghiệm hành trình học hỏi, sáng tạo, thể hiện ước mơ, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp và có thêm niềm tin biến ước mơ khởi nghiệp thành hiện thực.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã thu hút đông đảo cơ sở giáo dục, các em học sinh, sinh viên và cộng đồng các doanh nghiệp tham gia. Tất cả học sinh, sinh viên đã tập trung thể hiện bản lĩnh, sức trẻ, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, tinh thần vì cộng đồng, vận dụng các kiến thức, kỹ năng để đưa ra sáng kiến, giải pháp giải quyết vấn đề của cộng đồng, của xã hội và hình thành nên những ý tưởng sáng tạo.

Những dự án khởi nghiệp mang tính đột phá không chỉ để tham dự cuộc thi này mà còn nhằm mang lại những giá trị hữu ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Năm 2024, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã thu hút 707 bài dự thi, trong đó có 80 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 10 giải nhất, 20 giải nhì, 30 giải ba, 20 giải khuyến khích cho những ý tưởng, bài dự thi xuất sắc. Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn, thông qua cuộc thi, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư sẽ quan tâm và tiếp tục hỗ trợ các dự án để học sinh, sinh viên có thể nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp của mình...

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; rà soát, sửa đổi, cập nhật, ban hành và đề ra các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

cho học sinh, sinh viên gắn với hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hướng nghiệp. Mặt khác, ngành giáo dục cũng triển khai tổ chức các chương trình giáo dục gắn với các hoạt động thực tiễn nhằm từng bước nâng cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp để học sinh sớm hình thành ý chí tự thân lập nghiệp; thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học triển khai có hiệu quả các quy định về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác quốc tế nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục và đào tạo.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên làm báo

Với sức trẻ, nhiệt huyết, nhiều sinh viên tại Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế đã trở thành những cộng tác viên (CTV) thường xuyên, đắc lực cho nhiều tờ báo.

Sinh viên làm báo

TIN MỚI

Return to top