Sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế trong giờ thực hành
Tâm lý xem trọng bằng cấp khiến người người, nhà nhà đua nhau “ép” con em mình phải thi đậu đại học. Điều này tạo áp lực học tập rất lớn cho các em, đồng thời tạo nên tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Đại học, cao học ra vẫn có thể thất nghiệp, trong khi chỉ cần 2 – 3 năm, các trường dạy nghề có thể đào tạo ra những lao động lành nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Người học có kỹ năng và kiến thức chuyên môn nên có thể bắt tay ngay vào công việc mà không cần đào tạo lại. Việc nhiều sinh viên trường nghề được nhà tuyển dụng săn đón khi tốt nghiệp đã phần nào thay đổi cái nhìn về việc học nghề của xã hội. Ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề cho hay: “Năm học 2016 – 2017, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 455 sinh viên nhưng số lượng hồ sơ tăng đến 1.280 hồ sơ. Hiện, trường đã mở 18 lớp cho 627 em, số còn lại chúng tôi đang làm tờ trình để xin mở thêm lớp”.
Các trường nghề thiết kế chương trình học có tính ứng dụng cao, với 70% thực hành, 30% lý thuyết. Th.s Hồ Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Du lịch (CĐNDL) chia sẻ: “Phần lý thuyết đưa vào giảng dạy hết sức cô đọng và súc tích. Chúng tôi trích 30% quỹ thời gian để các em học ngoại khóa và làm các bài thực tế”.
Các trường nghề và doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trường cao đẳng Công nghiệp liên kết với hơn 200 doanh nghiệp lớn nhỏ. Trường CĐNDL ký hợp đồng liên kết với hơn 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, mở rộng ở Đà Nẵng – Hội An... Các doanh nghiệp không chỉ tham vấn giáo trình, thay đổi khung chương trình cho nhà trường, hỗ trợ nhận sinh viên thực tập, tuyển lao động tại chỗ mà một số doanh nghiệp còn đầu tư thiết bị giảng dạy trong nhà trường, như Trung tâm đào tạo sửa chữa xe máy Yamaha, công ty Framgia (Nhật Bản) liên kết mở lớp tài năng thông tin tại Trường cao đẳng Công nghiệp (CĐCN). Ngược lại, nhà trường cũng tương tác với doanh nghiệp, như Trường cao đẳng Nghề ký hợp đồng đào tạo nâng cao tay nghề công nhân với các công ty dệt may tại Huế (Dệt may Huế, HBI, Việt - Nhật). Ngoài ra, trường còn mở các khóa đào tạo an toàn lao động cho các doanh nghiệp (năm 2015 đào tạo cho 8.000 lao động, 9 tháng đầu năm 2016 đào tạo cho hơn 7.000 lao động).
TS. Đào Anh Quang, Phó Trưởng phòng Đào tạo – Công tác sinh viên Trường CĐCN cho biết: “Việc bắt tay với doanh nghiệp không chỉ giúp nhà trường đào tạo đúng hướng, phù hợp yêu cầu về nhân lực của doanh nghiệp mà đồng thời còn tác động ngược lại, giúp doanh nghiệp nâng bậc thợ, kỹ năng nghề, đào tạo kỹ thuật an toàn; từ đó doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, tăng cơ hội việc làm của sinh viên ra trường”.
Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, chất lượng dạy nghề có bước chuyển biến tích cực, khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Một số nghề đào tạo ngắn hạn (may công nghiệp, du lịch, dịch vụ...) tỷ lệ này đạt trên 95%. Th.s Hồ Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường CĐNDL cho biết thêm, đợt tốt nghiệp của gần 300 sinh viên vừa qua, có 32 doanh nghiệp tới tuyển vào 900 vị trí việc làm, tức là mỗi sinh viên có 3 cơ hội làm việc ở trong và ngoài tỉnh.
Sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp là lời giải cho bài toán sinh viên ra trường thất nghiệp vì thiếu kỹ năng thực tiễn và doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí đào tạo nguồn nhân lực tuyển dụng. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là nhà trường bị gò bó trong những doanh nghiệp đã ký hợp đồng, không có cơ hội lựa chọn doanh nghiệp tốt hơn khi có điều kiện. Thêm nữa, các khu công nghiệp chưa nhiều nên đa số sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp đều vào Nam lập nghiệp. làm ăn xa là một trong những yếu tố khiến phụ huynh, học sinh e dè đăng ký học các trường nghề.
Bài, ảnh: Phước Ly