Đặt chân đến lớp học xóa mù chữ ở thôn Cự Lại Đông vào một buổi tối cuối đông, chúng tôi thấy những người phụ nữ đang chăm chú ngồi nghe giảng. Thầy giáo Huỳnh Văn Hưng chỉ vào từng nét chữ luyện đọc cho “học sinh”. Thi thoảng, thầy lại đến từng người để hướng dẫn tận tình. Đây là một lớp học đặc biệt. “Học sinh” trong lớp là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đến trường; có người khi lớn tuổi có cơ hội học tập nhưng vì bận rộn mưu sinh hoặc do tâm lý e ngại đành chấp nhận cảnh không biết chữ.
|
Lớp học xóa mù chữ do thầy Huỳnh Văn Hưng phụ trách ở thôn Cự Lại Đông.
|
Một thành viên trong lớp học kể, đầu tháng 11, lớp học bắt đầu được mở, do thầy Huỳnh Văn Hưng, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang đảm nhận. Nghị lực của người thầy giáo vượt qua quãng đường dài đến với lớp học thôi thúc những phụ nữ nơi đây vượt qua mặc cảm bản thân. Sau nhiều lời động viên, nhiều người đã thay đổi suy nghĩ.
Tuổi già vượt khó
Ngồi trò chuyện với những người trong lớp học, chúng tôi được biết đây là những phụ nữ từ 35-60 tuổi. Ban đầu mong muốn biết viết được tên tuổi của mình để đi làm các thủ tục hành chính nhưng khi theo lớp học, không ít người đã quyết tâm tiến xa hơn trong con đường học vấn. Dù bận rộn mưu sinh và lo lắng nhiều việc gia đình, nhưng cứ đến các tối có buổi học, họ lại sắp xếp để tham gia đầy đủ.
Bà Nguyễn Thị Len, năm nay 43 tuổi, tâm sự, bản thân sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, nên bà rất thèm con chữ. “Tui sinh ra đã mồ côi cha, hoàn cảnh nghèo theo mẹ mưu sinh nên không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Có lớp học này, tui đăng ký học ngay. Ngày tranh thủ bán bánh lọc, đêm về tui sắp xếp việc nhà chu toàn rồi đến học. Tui mong biết chữ và tính toán tiền cho khách nhanh hơn, không còn nhầm lẫn nữa”.
Theo học, không ít người thuộc đối tượng hộ nghèo. Bà Trần Thị Đầu, năm nay đã 56 tuổi là một điển hình. Bà Đầu kể, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Con gái ly dị chồng đi kiếm việc làm xa, để lại con nhỏ cho bà trông giữ. “Ngày cháu bước vào tiểu học, đi học về cứ đòi mệ dạy học, tui buồn lắm vì không biết chữ. Bây giờ lớp học mở ra, tui quyết sắp xếp để đến trường về bày lại cho cháu. Cuộc đời tụi nó bất hạnh, trách nhiệm làm mệ nên tui phải gắng. Đi học khó lắm chứ, một thân một mình đảm đương đủ thứ việc, rồi già cả học hành cũng vất vả nhưng tui cố gắng được hết”, bà Đầu chia sẻ.
Thầy Huỳnh Văn Hưng tâm sự, quá trình dạy cho người lớn tuổi gặp không ít khó khăn nhưng bản thân người dạy phải biết cách, không tạo nhiều áp lực cho họ, mà phải kiên trì giảng dạy có hiệu quả nhất, đôi lúc còn pha thêm nhiều câu nói đùa để tạo tiếng cười cho lớp học không căng thẳng, in các mẫu bài hát dạy cho họ hát theo nhạc nên dễ nhớ con chữ. Điều đáng mừng là, “học sinh” trong lớp có nghị lực và quyết tâm, nhờ đó hơn 3 tháng các học viên có thể đánh vần, đọc được tất cả các chữ cái, nhiều người có thể tự viết tên của mình lên giấy, làm một số những bài tính toán đơn giản.
Xem những nét chữ mà các phụ nữ trong lớp học viết, dù chưa đẹp nhưng chúng tôi cảm nhận một niềm vui biết được con chữ của họ. Những phụ nữ tuổi cao trong lớp học này đã mang tới một thông điệp “học tập là quan trọng và không phân biệt tuổi tác”. Như lời mà họ đã nói với chúng tôi trước lúc chia tay: “Đi học cũng vui lắm, có gì đâu mà xấu hổ”.