Chiếc máy gieo hạt giúp tăng năng suất
Tính năng trên là hiệu quả của đề tài: “Thiết kế và chế tạo máy gieo hạt đậu phộng tự động” của nhóm sinh viên Nguyễn Văn Bảo, Trần Văn Tiến, Đỗ Thành Nghĩa và Hà Dữ Trình, Khoa Cơ khí (Trường cao đẳng Công nghiệp Huế) thực hiện.
Sinh viên Nguyễn Văn Bảo cho hay, hiện nay, các hệ thống sản xuất công nghiệp nói chung và quá trình sản xuất trong lĩnh vực gia công cắt gọt cơ khí nói riêng đều phát triển theo hướng tự động hóa ngày càng cao. Vì thế, quá trình gieo hạt là một trong những yêu cầu cần thiết phải nghiên cứu và giải quyết trong các hệ thống sản xuất tự động. “Nhằm nâng cao năng suất lao động, sử dụng và khai thác các máy móc, thiết bị một cách có hiệu quả nhất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, nhóm chúng em tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện đề tài từ ý tưởng gợi ý của thầy giáo hướng dẫn”, Bảo nói.
Trải qua 4 tháng vừa nghiên cứu, mày mò, các bạn đã “chế tạo” ra được chiếc máy gieo hạt đậu phộng. Máy gồm có 3 bộ phận chính: phần động cơ dẫn động, cơ cấu cấp phôi theo hàng và dãy, cơ cấu tạo rãnh và lấp đất; trong đó, cơ cấu cấp phôi phụ thuộc vào từng loại ngũ cốc như đậu xanh, cây ném… để thiết kế bộ phận này theo kích thước của từng loại hạt.
Thiết kế cấp phôi dạng hạt làm thay thế cho người nông dân các khâu xới đất, thả hạt và lấp đất lại theo hàng đã được rạch trước đó, qua đó tăng năng suất lao động, giảm công sức người nông dân. Theo đó, hạt từ thùng chứa sẽ tiếp xúc với một bánh dẫn hạt. Trên bánh dẫn có 8 răng, chúng được khoét 8 lỗ nghiêng. Các lỗ này có kích thước chỉ vừa để một hạt rơi vào. Bánh dẫn hạt sẽ quay nhờ vào chuyển động từ động cơ truyền đến thông qua bộ truyền xích. Bánh xích quay, trục gắn các bánh dẫn quay, kéo bánh dẫn hạt quay theo. Lần lượt từng hạt sẽ rơi vào các lỗ được định sẵn. Mỗi lần bánh dẫn thả hạt, cơ cấu sẽ gieo được 6 hạt, mỗi hạt cách nhau 20 - 25cm.
Sau khi chế tạo xong, nhóm tiến hành thử nghiệm và mang lại các kết quả khả thi. Máy có năng suất thực tiễn cao, sử dụng được nhiều loại hạt, kích thước khác nhau, dễ lắp ráp và sửa chữa; qua đó, giúp thay thế sức lao động của con người, tăng năng suất, mật độ trồng đều và tỷ lệ sót rất thấp. “Máy có năng suất hơn 30kg/ngày. Trong quá trình thực hiện, do vừa học vừa chế tạo nên thời gian còn hạn hẹp, đôi lúc ý tưởng đưa ra nhưng thực hiện không thành công”, Bảo chia sẻ thêm về tính năng của máy. Sắp tới, nhóm sẽ làm nhỏ gọn lại để người nông dân có thể di chuyển dễ dàng ra ruộng, làm từ các vật liệu nhẹ, chuyển sang điều khiển bán tự động bằng remote, smartphone…
Thầy Nguyễn Văn Anh, Giáo viên hướng dẫn (Trưởng khoa Cơ khí, Trường cao đẳng Công Nghiệp) cho biết: Các em tự làm tất cả, từ việc đi mua các động cơ cũ, các bộ truyền và gia công ổ lăn…; qua đó, giúp các em tự tin về nghề nghiệp khi ra trường, vận dụng được kiến thức đã học trong nhà trường để mạnh dạn xử lý các vấn đề kỹ thuật. Thời gian tới, máy sẽ được cải biến để có thể trồng nhiều loại ngũ cốc như ném, đậu xanh… nhằm thay thế cho lao động chân tay của nông dân.
Mới đây, đề tài đã giành được giải Khuyến khích cuộc thi Khoa học kỹ thuật sinh viên HUEIC năm 2018.
Xuân Quảng – Đắc Đức