ClockThứ Ba, 14/04/2020 07:45

Mỗi bức tranh, một thông điệp

TTH - Lần đầu thử sức với đề tài mang tính thời sự, những tác phẩm tranh cổ động của sinh viên không chỉ thể hiện đam mê của người nghệ sĩ mà còn cho thấy góc nhìn, tiếng nói của sinh viên trước đại dịch được cả thế giới quan tâm.

Văn nghệ sĩ đấu giá tác phẩm ủng hộ cuộc chiến chống dịch COVID-19

Sau thời gian phát động, cuộc thi sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19 đã có 28 bức tranh

Tâm huyết

Từng thử sức với tranh cổ động, song với Nguyễn Nhật Hải (sinh viên năm thứ 2, Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế), “Chung tay chống dịch Corona” vẫn là một bức tranh đầy tâm huyết và ấn tượng. Chỉ sau lời phát động từ nhà trường, Hải đã nhanh chóng ngồi vào máy, cố gắng vận dụng sự sáng tạo của mình để chuyển tải thông điệp đến mọi người cùng đeo khẩu trang, ngăn ngừa dịch COVID-19. Xem bức tranh, dường như mọi người đều có thể hiểu được bởi ngoài hình ảnh trực quan, khẩu hiệu cũng rất rõ ràng.

Hoạt động vẽ tranh đối với sinh viên nghệ thuật thường xuyên và tranh cổ động cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, khác với những đợt vẽ tranh cổ động về Festival Huế, làng nghề Huế hay phòng chống ma túy… thì tranh cổ động về phòng chống dịch COVID-19 lại chuyển tải nhiều thông điệp “nóng” kêu gọi mọi người cùng chung tay. 22 sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật tham gia, cho ra đời 28 tác phẩm. Giữa sự vô cùng của sức sáng tạo và ý tưởng nghệ thuật, họ lại cùng nhau truyền đi thông điệp đã được các ngành chức năng khuyến cáo và các đơn vị y tế kêu gọi, điển hình như: “Phòng dịch COVID-19, hãy rửa tay thường xuyên và đúng cách”, “Hãy ở nhà vì mình và cộng đồng, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết” hay “Đeo khẩu trang là bảo vệ bản thân và cộng đồng”…

ThS. Phan Lê Chung, Bí thư Đoàn trường, giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật chia sẻ, khó so sánh với những bậc thầy, nghệ sĩ về tranh cổ động. Song, những tác phẩm của sinh viên từ cuộc thi sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19 đã đáp ứng được các tiêu chí của loại tranh cổ động. “Tranh cổ động đòi hỏi tính hình tượng và phổ quát. Một bức tranh cổ động phải làm cho các đối tượng, tầng lớp trong xã hội từ trí thức đến người những lao động bình dân hiểu được. Nội dung trong tranh rõ ràng, không đánh đố và đáp ứng được các nguyên tắc về sử dụng chữ, cách trình bày… Đáng mừng là các bức tranh của sinh viên thể hiện được điều này và truyền đi những thông điệp kêu gọi mọi người chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh”.

Theo đại diện Trường ĐH Nghệ thuật, giai đoạn trước, khi công nghệ chưa phát triển, nghệ sĩ hay sinh viên thường vẽ tranh cổ động bằng tay. Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, các phần mềm như “Adobe Illustrator”, “Adobe Photoshop”, “Adobe Corel Draw” hỗ trợ người sáng tác thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà tâm huyết, sự đầu tư của người vẽ với tranh cổ động giảm đi. Ngay cả với sinh viên, để cho ra đời những tác phẩm tranh cổ động, ngoài sự dụng công từ những kiến thức, kỹ năng được học, họ phải “hòa trộn” được yếu tố đam mê và sự tìm hiểu vấn đề muốn nói, từ đó thông điệp chuyển tải mới dễ dàng đến người tiếp nhận.

Hơn cả một cuộc thi

Tranh cổ động đi suốt theo chiều dài lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Theo giới chuyên môn, tới nay, dòng tranh này vẫn tích cực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương hoặc chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền cho các hoạt động xã hội.

Không phải hẳn nhiên, một cuộc thi sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19 được mở ra và cũng không phải vô cớ, trong thời gian ngắn, số lượng tác phẩm được gửi về lại lên đến 28 bức tranh. Theo ThS. Phan Lê Chung, cuộc thi được phát động trong thời gian ngắn, giải thưởng chỉ mang tính khuyến khích trong khi sinh viên lại đang ở quê (do nghỉ học tập trung) nên việc kêu gọi, tổ chức cuộc thi sẽ khó khăn hơn. Song, điều khá ngạc nhiên là sự “phản hồi” từ sinh viên lại rất tích cực, nhờ đó các giảng viên của trường có điều kiện để cùng tương tác, hướng dẫn sinh viên hoàn thiện tranh cổ động tốt hơn, mang lại giá trị tuyên truyền cao hơn. “Cả nước cùng chung tay chống dịch, sinh viên nghệ thuật bằng chuyên môn cũng muốn góp chút sức trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch”, Văn Nam, sinh viên nhà trường, chia sẻ thêm.

Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nghệ thuật – TS. Đỗ Xuân Phú cho rằng, không chỉ là sáng tác nghệ thuật mà đây còn là một nhiệm vụ chính trị. Cuộc thi không chỉ sân chơi lan tỏa chủ trương phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong sinh viên mà còn góp giá trị trong cộng đồng bởi sau khi công bố, số tranh cổ động trên dự kiến sẽ được chuyển các cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhằm mục đích tuyên truyền. Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ chuyển qua dạng ảnh số để phục vụ công tác tuyên truyền qua mạng xã hội, internet.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa

Võ Thành Thân là một trong những họa sĩ trẻ, góp phần làm nên công cuộc đổi mới nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm cá nhân “Mộng Ảnh” của anh đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 30/11 - 15/12/2024 - triển lãm quy tụ 14 bộ tác phẩm sơn dầu, thành quả của hơn ba năm nghiên cứu và sáng tạo miệt mài.

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa
Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến

Ngày 14/12, Đại hội Tim mạch học toàn quốc lần thứ 19 chính thức khai mạc, thu hút 2.200 đại biểu và hội viên trong, ngoài nước. Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới", đại hội diễn ra với nhiều hoạt động đến ngày 15/12.

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến
Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử

Đó là chủ đề của triển lãm được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, khai mạc sáng 29/11 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử

TIN MỚI

Return to top