ClockThứ Bảy, 07/09/2019 12:25

“Mọi hành động của người lớn chưa thật sự vì học sinh”

TTH - Tất cả vì học sinh thân yêu” mà để học sinh đội nắng chờ khai giảng, hát Quốc ca bật nhạc có sẵn, nhà vệ sinh trường học thì không được chú ý…

Khai giảng không bóng bay

“Tất cả vì học sinh thân yêu” mà để học sinh đội nắng chờ khai giảng, hát Quốc ca bật nhạc có sẵn, nhà vệ sinh trường học thì không được chú ý… Mọi hành động của người lớn chưa thật sự vì học sinh khi nhiều phụ huynh đến giáo viên ganh đua ép trẻ con học để lấy thành tích. Đó là vì người lớn chứ không phải vì học sinh” – Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị cho năm học mới (theo Dân Trí).

Từ đây, chúng ta thử nhìn nhận xem nền giáo dục của chúng ta bị những “bệnh” gì ?

Tất nhiên, nền giáo dục của Việt Nam có nhiều thành tựu rất lớn. Điều này không cần phải chứng minh nhiều. Cứ nhìn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ biết. Không có đóng góp của ngành giáo dục, nói rộng ra là nguồn nhân lực thì khó có tăng trưởng GDP kỳ vọng như vậy được.

Tuy nhiên, có vẻ như nền giáo dục của chúng ta ngày càng “bày” ra nhiều bệnh!?

Bệnh thành tích, là bệnh dễ thấy nhất. Đủ loại phong trào thi đua trong ngành giáo dục là không xấu. Thi đua, với mục đích là để nâng cao hiệu quả, chất lượng  hoạt động. Nói một cách khác thi đua là đề ra mục tiêu để phấn đấu. Anh phải đạt mục tiêu này thì anh thu lại những giá trị như thế này – có thể là những giá trị hữu hình, cũng có thể là những giá trị “vô hình” – ví dụ như giá trị tinh thần chẳng hạn. Vấn đề của ngành giáo dục rơi vào bệnh thành tích chính là ở chỗ giám sát các giá trị đạt được.

Chúng ta giám sát chất lượng không tốt nên thành tích được ghi nhận trên giá trị thực của nó. Ví dụ như một thời gian dài, học sinh giỏi ở cấp I ở thế áp đảo mà nhìn vào chúng ta khó tin được. Chỉ nói riêng ngành giáo dục chạy theo bệnh thành tích thì “hơi oan” cho riêng ngành giáo dục. Đất nước chúng ta còn nhiều cách đào tạo khác (muôn hình vạn trạng – tập huấn, bồi dưỡng, chuẩn hóa, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ…) không phải là tất cả nhưng không ít trường hợp là không thực chất. Nhưng điều đáng nói hơn là cả người dạy (người truyền đạt) và người lĩnh hội chấp nhận sự không thực chất ấy. Kết quả là gì? Là sự xuề xòa và sinh ra những giá trị dởm.

Nói như thế để thấy rằng, mục tiêu là tốt đẹp nhưng cách thức thực hiện mục tiêu còn nhiều vấn đề.

Cách đây hơn hai chục năm, tôi  được tham dự một lớp tập huấn “Phát thanh trực tiếp” do Chính phủ Thụy Điển tài trợ. Và sau hai năm tôi được mời vào Đài Phát thanh và Truyền hình Cần Thơ làm trợ giảng. Cách họ dạy: lên lớp gặp mặt, trao đổi thử đề tài nào là người dân (người nghe) quan tâm trong ngày hôm nay (bám theo sự kiện diễn ra). Thống nhất rồi là tổ chức nhóm đi làm. Cuối ngày nghe lại tác phẩm và mọi người đều có quyền nhận xét, đánh giá. Không phải một mớ lý thuyết hỗn độn mà chỉ thiên về thực hành. Sau 15 ngày tập huấn, dường như ai cũng làm được.

Điều tôi ngạc nhiên là chỉ có hai trợ giảng, là phóng viên của Đài Quốc gia Thụy Điển từ Stockhom cử sang đây giúp Việt Nam thực hiện dự án. Chẳng thấy ai giám sát họ. Nhưng họ làm rất chuyên nghiệp, đúng ngày đúng giờ, đúng nội dung. Có lẽ người giám sát họ không phải là việc những người được chọn đi làm dự án đã nói những gì, lên lớp có đúng giờ không… mà họ giám sát bằng kết quả - các đài được tài trợ từ dự án sau khi được truyền đạt kiến thức làm phát thanh trực tiếp thế nào.

Tôi nghĩ, sự tự giác của họ có được là dựa trên một nền tảng phát triển và văn minh – anh phải có trách nhiệm bởi những gì anh được hưởng. Tham chiếu lại – Việt Nam mình đôi khi thiếu cái này. Ngành giáo dục hoặc bất cứ ngành nào cũng vậy – đất nước ta thiếu những cái cơ bản và phải xây dựng dần dần. Giáo viên muốn dạy tốt không? Có lẽ ai cũng muốn. Nhưng hỏi giáo viên có cần tiền không? Có lẽ ai cũng nói cần. Tức là nếu có một cơ hội nào có tiền, họ sẵn sàng kiếm tiền. Dạy thêm chẳng hạn, giáo viên nào chẳng hiểu mình tổ chức dạy thêm là trái quy định của ngành giáo dục (cũng như nhiều ngành khác). Nhưng vì nhiều thứ, cả nhu cầu học sinh và cả sự cần thu nhập của giáo viên… nên cấm cũng khó được.

Chúng ta “đổ lỗi” hết cho ngành giáo dục cũng không phải. Nhưng ngành giáo dục đã nhận lãnh trách nhiệm là ngành “trồng người” thì phải nhận trách nhiệm chính về đào tạo con người; về những vinh quang mà mình được hưởng cũng như những tồn tại của ngành. Chúng ta rất đau lòng về những hiện tượng như đạo đức học đường (nơi này nơi khác, lúc này lúc kia) xuống cấp; những lời đồn thổi như muốn nhận vào dạy thì phải mất bao nhiêu tiền; trường này trường kia bằng nhiều cách để thu tiền học sinh ngoài quy định…

Muốn xây dựng chuẩn mực học đường, theo tôi, đầu tiên phải xây dựng chuẩn mực người giáo viên – thật chuẩn. Cấm tiệt dạy thêm học thêm là một việc. Đừng có viện dẫn nhu cầu học sinh. Cái này làm lãng phí nguồn lực xã hội rất nhiều. Anh nhận tiền học sinh của mình thì anh nói học sinh thế nào? Ngành giáo dục là sứ mệnh đào tạo con người. Khó thương mại được. Một khi thương mại chen vào thì rất dễ hỏng. Cũng cần nghe lại câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Mọi hành động của người lớn chưa thật sự vì học sinh khi nhiều phụ huynh đến giáo viên ganh đua ép trẻ con học để lấy thành tích. Đó là vì người lớn chứ không phải vì học sinh”. Đầu năm học mới, vài suy nghĩ như vậy, mong được trao đổi.

Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: ANH QUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh
Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

Chiều 22/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình giáo dục di sản cho học sinh.

Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

TIN MỚI

Return to top