ClockThứ Bảy, 14/10/2017 09:55

Nặng lòng với chuyện học ở làng quê An Truyền

TTH - An Truyền, một làng quê thuộc xã Phú An (huyện Phú Vang), nổi tiếng là làng hiếu học. Hằng năm, tỷ lệ các em dự thi đại học của làng đỗ rất cao. Năm nay, làng có 50 học sinh trung học phổ thông dự thi và tất cả đều đỗ vào các trường đại học.

An Truyền nằm bên phá Tam Giang, người dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới ven phá, cuộc sống chưa phải đầy đủ lắm nhưng nhà nào cũng chăm lo chuyện học hành của con em. Hằng năm, cứ mỗi độ thu về, làng lại đông vui như trẩy hội. Những ngày này, làng đón 2 sự kiện văn hóa lớn là đại lễ thu tế và khen thưởng học sinh giỏi đỗ đại học. Ngoài truyền thống hiếu học, Hội đồng hương An Truyền còn là động lực nuôi dưỡng ý chí vượt khó, học giỏi cho các em. Theo nhà báo Võ Đại Đề, Chủ tịch Hội đồng hương An Truyền tại Thừa Thiên Huế, mục tiêu của hội là hướng thiện, hướng đến hành trình tri thức đối với tuổi trẻ tương lai bằng những việc làm cụ thể và hiệu quả.

Nhớ lại các buổi lễ trao thưởng đầu năm học tại An Truyền, những tấm gương hiếu học được tuyên dương, như em Đoàn Quốc Hoài Nam, đoạt huy chương bạc Olympic Hóa quốc tế; Tôn Thất Ái Đăng giải nhất môn Lý cấp tỉnh và cấp quốc gia; Võ Sao Khuê tốt nghiệp tiến sĩ công nghệ thông tin tại Cộng hòa Áo; Hồ Thị Linh Tâm, huy chương vàng giải Taekwondo trẻ Đông Nam Á 2015, hay gặp mặt vinh quy vô địch Olympia năm 2016 của Hồ Đắc Thanh Chương hoặc của tiến sĩ trẻ nhất Đại học Huế năm 2013 Võ Thị Kim Thảo... mới thấy hết giá trị của một làng quê xem chuyện học hành là trách nhiệm của cộng đồng xã hội. Năm nay, lễ trao phần thưởng khuyến học cho các tân sinh viên, chúc mừng các em bước vào giảng đường đại học mang nặng nghĩa tình của nhiều tấm lòng, như luật sư Hồ Ngọc Đàn, GS. Tôn Thất Viễn Bào..., nhiều con em của làng nay là kỹ sư, bác sĩ, những doanh nghiệp thành đạt và cả ngư dân nghèo tham gia gửi tặng, động viên.

Điều mà An Truyền ghi nhận là sự đóng góp nhiệt tình của nhà báo Võ Đại Đề, người con của quê hương. Là Chủ tịch Hội đồng hương An Truyền tại Thừa Thiên Huế, ngoài hoạt động báo chí có bề dày kinh nghiệm, anh Đề còn được biết đến là người lập nghiệp giỏi. Anh tâm sự, muốn có điều kiện giúp làng, giúp các học sinh nghèo học giỏi không chỉ nhiệt tình vận động, kêu gọi các mạnh thường quân, các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân hội viên ủng hộ cho chương trình, mà bản thân mình phải đi đầu trong lập nghiệp để có điều kiện tham gia hoạt động khuyến học với dân làng.

Sau khi nghỉ hưu, anh Đề thành lập trung tâm đào tạo Anh ngữ, tìm kiếm học bổng tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên du học nước ngoài. Mục tiêu là muốn cho tuổi trẻ tiếp cận được nền văn minh hiện đại của nước ngoài, đồng thời giải quyết vấn nạn việc làm cho một số sinh viên ra trường chưa có công việc ổn định. Trung tâm của anh có lợi nhuận để giúp đỡ quê nhà thông qua các chương trình người nghèo và khuyến học. Đầu năm học mới này, trung tâm tài trợ 100 triệu đồng cho 2 chương trình “Tiếp lửa tài năng” của Trường trung học phổ thông chuyên Quốc Học và chương trình tân sinh viên làng An Truyền năm 2017, mỗi chương trình 50 triệu đồng bằng tiền mặt và phí dịch vụ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có nguyện vọng du học nước ngoài ở Mỹ, Úc, Canada.

Với trách nhiệm là chủ tịch, nhà báo Đại Đề đã cùng tập thể xây dựng Hội đồng hương An Truyền hoạt động hiệu quả mà không phải làng quê nào cũng làm được. Tính đến nay, sau 10 năm hoạt động, tập trung cho 2 chuyên đề “Người nghèo” và “Khuyến học”, Hội đồng hương An Truyền đã thực hiện thành công 30 chương trình trợ giúp người nghèo, trong đó có học sinh nghèo với 5.488 suất quà có giá trị hơn 1.707.500.000đ và biểu dương khen thưởng qua 15 chương trình khuyến học lớn nhỏ với 359 tân sinh viên có giá trị hơn 200 triệu đồng.

Bùi Vĩnh Cự

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
Tiểu thương Đông Ba và chuyện học ngoại ngữ

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm du lịch địa phương, nâng cấp và tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… Một trong những yếu tố quan trọng khác cần tập trung là nâng cao năng lực ngoại ngữ cho nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại tỉnh nhà. Trong bối cảnh này, tiểu thương ở chợ Đông Ba, một trong những chợ nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế, đang dần nhận ra tầm quan trọng và lợi ích của việc học ngoại ngữ.

Tiểu thương Đông Ba và chuyện học ngoại ngữ
Nặng lòng với mảnh đất quê hương

Xa quê ngót nghét 40 năm, ông Hoàng Minh Sang quyết định trở về xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc), đem cái nghề của mình gieo trồng những hạt giống trên mảnh đất quê hương. Thời tiết miền Trung khắc nghiệt khiến kinh nghiệm bao năm ở xứ người của ông cũng phải học lại, nhưng tình yêu quê hương, đam mê trồng dưa lưới đã khiến những khó khăn nhất cũng phải “cúi đầu”. Đến nay, người đàn ông sinh năm 1964 đã có nhiều thành công và trở thành gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Nặng lòng với mảnh đất quê hương
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Return to top