ClockThứ Ba, 03/10/2023 06:41

Nghiên cứu khoa học hướng đến ứng dụng vào đời sống

TTH - Thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) trong Đại học Huế có giá trị, hàm lượng khoa học cao. Tuy nhiên, lại chưa ứng dụng nhiều vào thực tiễn và đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Khuyến khích nghiên cứu khoa học trong sinh viênSinh viên ngại nghiên cứu khoa học

 Nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng trong môi trường đại học hiện nay

Chưa nhiều nghiên cứu vào thực tiễn

NCKH là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu của các giảng viên. Đối với sinh viên, NCKH ngày càng có vai trò quan trọng hơn khi các em được học hỏi, nâng cao đáng kể về kiến thức và kinh nghiệm từ NCKH; tăng cường các kỹ năng bổ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ cho công việc sau này.

Trong NCKH, có một yếu tố được nhấn mạnh, nhất là gần đây, đó là ứng dụng vào thực tiễn đời sống bằng con đường thương mại hóa. Theo đánh giá của Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, Đại học Huế, số lượng các NCKH được chuyển giao, thương mại hóa, cũng như nguồn thu từ hoạt động này còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Đại học Huế. Loại hình nghiên cứu ứng dụng từ các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, cũng như các nhóm nghiên cứu mạnh còn ít. Sản phẩm được tạo ra từ kết quả nghiên cứu chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương cũng như giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội.

GS.TS. Đinh Quang Khiếu, Trưởng khoa Hóa, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ, quá trình nghiên cứu ông đã có trên 100 bài báo quốc tế, nhưng lại chưa được ứng dụng ra thực tế. Không riêng ông mà thế hệ trước đó đều nghiên cứu như thế. Ai cũng tập trung nghiên cứu, rồi công bố, nhưng cứ thế được để lên kệ sách. Rồi ông nhận ra rằng, mặc dù đề tài nghiên cứu hay, được thế giới công nhận, nhưng không mang tính ứng dụng thực tiễn thì cũng hóa bình thường. Vì vậy, NCKH không cần phải quá cao siêu mà là những ứng dụng vào thực tiễn, được xã hội chấp nhận, theo xu hướng thị trường.

 Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên tăng kỹ năng làm việc sau này

Xét riêng về lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong giai đoạn 2018 - 2022 đã khoảng 2.300 đề tài NCKH từ cấp Quốc gia đến cấp trường được thực hiện trong Đại học Huế; trong đó, có 44 sản phẩm khoa học được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp. Xét về số lượng nhà khoa học, Đại học Huế có gần 4.000 cán bộ, với khoảng 1.000 TS, PGS. TS, GS, đứng thứ 3 trong cả nước về nguồn nhân lực thì các sản phẩm từ NCKH đi vào đời sống như thế là chưa được nhiều.

TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Đại học Huế đánh giá, xu hướng hiện nay chuyển dịch từ những NCKH mang tính hàn lâm, nghiên cứu chuyên sâu sang những nghiên cứu có khả năng áp dụng vào đời sống. Đại học Huế cũng thế, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thương mại hóa các công trình NCKH của giảng viên, sinh viên, để các nghiên cứu không chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm, kệ sách mà mang lại lợi ích kinh tế.

Cần nguồn lực hỗ trợ

Khó khăn của việc đưa các NCKH vào thực tiễn là sự liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước – nhà khoa học và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ hiệu quả chưa cao. Chưa có đơn vị, bộ phận chuyên trách về hoạt động chuyển giao, thương mại hóa nên việc chuyển giao luôn bị động, nhất là các yêu cầu về tính pháp lý.

GS.TS. Đinh Quang Khiếu cho rằng, muốn thay đổi thực tế này, trước hết cần thay đổi triết lý các nhà khoa học, sinh viên. Hiện nay, sinh viên và cả đội ngũ giảng viên tham gia NCKH còn khá mơ hồ trong quy trình đăng ký bằng sáng chế, hay bản quyền. Với những nghiên cứu khi đã được công nhận, đi vào thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài thì cần có sở hữu trí tuệ, có bản quyền. Đây cũng là động thái để thay đổi nhận thức của các nhà nghiên cứu phải suy nghĩ những vấn đề hay hơn, mới hơn, mang tính thực tiễn, tránh sự trùng lặp hay bắt chước nhau.

Theo các chuyên gia, trong quá trình NCKH cần có định hướng đi theo ngành, đi theo chiến lược Quốc gia. Tuy nhiên, định hướng này phải phù hợp với nguồn lực đang có và nên tập trung vào nghiên cứu những gì thị trường cần, xã hội đòi hỏi, con người mong muốn. Điều này có nghĩa là NCKH cũng có cách tiếp cận như kinh doanh là đánh giá thị trường, những mong muốn khách hàng. Khi đó, kết quả NCKH mới có khả năng đi vào thị trường để tìm kiếm lại nguồn thu, nhằm tái bổ sung nguồn lực để làm mới.

Với những hỗ trợ kinh phí về NCKH có phần hạn chế như hiện nay, TS. Phan Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Đại học Huế phân tích, có nhiều nghiên cứu rất hay, nhưng chưa thể phát triển là do thiếu kinh phí. Vì vậy, trước hết, cần có kết nối với doanh nghiệp để có những hỗ trợ triển khai các nghiên cứu. Song song với đó, Đại học Huế cần xây dựng quỹ phát triển các NCKH. Đây là nguồn quỹ mang tính chủ động để hỗ trợ và thúc đẩy các công trình nghiên cứu xuất sắc đi vào thực tiễn.

Đại học Huế cho biết, định hướng hoạt động chuyển giao, thương mại hóa các NCKH trong Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2026 là có từ 20 - 25 sản phẩm được chuyển giao. Mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2045 có 35 - 40 sản phẩm được chuyển giao có nguồn thu từ 300 triệu đồng trở lên. Để thực hiện kế hoạch này, Đại học Huế đang xây dựng chương trình ươm tạo nhằm thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, sau đó sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác. Chương trình này sẽ cung cấp các nguồn lực như vốn, cơ sở vật chất, mạng lưới đối tác và cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư để hỗ trợ các nhà khoa học chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm. Khi làm tốt công tác nghiên cứu và chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm thành công, sẽ là yếu tố để nâng vị thế của Đại học Huế trong tương lai.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên

TIN MỚI

Return to top