ClockThứ Bảy, 24/08/2019 06:45

Quá kém mới rớt đại học?!!

TTH - Phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”, trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài.

350 tình nguyện viên ĐH Huế ra quân tư vấn, hỗ trợ thí sinhTiếp sức mùa thi & hỗ trợ khi nhập họcTuyển sinh đại học: Sẽ có điểm sàn riêng với ngành sư phạm và y khoa

Giảng đường đại học vẫn đang là mục tiêu hàng đầu của các bạn trẻ (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Mùa tuyển sinh đại học 2019 đang dần khép lại, các trường đại học đều đã công bố điểm chuẩn, rục rịch gọi tân sinh viên nhập học và tiếp tục chiêu sinh bổ sung… Các bậc phụ huynh có con ứng thí năm nay hễ gặp là lại hỏi thăm nhau con anh, con chị có đỗ không, vào trường nào?... Tôi có một người quen mỗi khi nghe người ta hỏi nhau như thế lại cười: Đỗ đại học a? Giờ chỉ có đứa nào quá kém mới không vào được đại học thôi, có gì mà rộn (!??)

Nhận xét trên quả thật không quá chút nào. Cho dù đã có quy định điểm sàn, nhưng rồi quá nhiều trường, quá nhiều ngành, quá nhiều sàn, quá nhiều nguyện vọng được đăng ký, nên cuối cùng điểm cao điểm thấp, kiểu gì cũng có trường để vào. Chỉ là không vào được ngôi trường mong muốn thôi.

Ngược thời gian chúng tôi thi đại học. Cứ độc nhất vô nhị một ngành, một trường mà đăng ký, đủ điểm thì vào, không đủ thì “out” (tạm dịch là hết, ra ngoài) , nộp hồ sơ vào trung cấp, cao đẳng hoặc đi học nghề. Ai có chí tiến thủ, tha thiết với tấm bằng đại học thì tiếp tục sôi kinh nấu sử, năm sau thi lại. Nhiều người 3 năm, 5 năm, thậm chí 7 năm ứng thí mới được ngồi vào chiếc ghế ước mơ ở giảng đường đại học. Và mặc dù đời sống sinh viên cơ cực, nhưng ra đường, cái “mác” sinh viên nó oai vô kể; ra trường, cầm tấm bằng đại học đi xin việc cũng thấy tự tin và nhiều cơ hội.

Bây giờ, mở trường mở ngành nhiều, các bạn trẻ cũng có nhiều cơ hội học tập hơn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, con số đào tạo ra quá nhiều, chưa nói đến mặt chất lượng, chỉ riêng về số lượng thôi, xã hội xem chừng không “hấp thu” xuể. Vậy là, không hiếm trường hợp cử nhân ở nhà trồng rau nuôi lợn; buôn bán, chạy bàn; giấu bằng đại học để được… làm công nhân ở các khu công nghiệp. Giấc mộng ra trường đi làm để có tiền trả ơn cha mẹ, hoặc trả nợ ngân hàng do vay mượn để đầu tư học tập trở nên xa vời đối với nhiều bạn trẻ. Còn xã hội thì không ngớt than phiền rằng “thầy nhiều thợ ít”. Đó là thực trạng vô lý, quá buồn và quá kéo dài ở xứ ta mà mãi vẫn chưa thấy giải pháp gì khả dĩ. Thực trạng ấy vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa gây mất lòng tin của xã hội đối với giáo dục đại học nước nhà.

Phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”, trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài. Đồng thời, kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém! - Yêu cầu đó của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020 vừa rồi đối với Bộ Giáo dục & Đào tạo cho thấy đã đến lúc câu chuyện giáo dục đại học cần phải được nhìn nhận lại một cách thẳng thắn, nghiêm túc. Đào tạo đại học là đào tạo ra những con người có khả năng làm việc, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước; chứ không phải là “cơ hội” để các trường tranh thủ đầu vào nhằm thu phí, rồi đào tạo cho có tấm bằng để “nhìn chơi”, để lòe thiên hạ.

HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động

Ngày 15/11, Trường đại học Phú Xuân, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện “PXUni Job Festival 2024” với sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mang đến hơn 500 cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên và người lao động.

Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động
NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Return to top